12:22 21/12/2015

Giới hạn mong manh của Anh trong EU

Trong Hội nghị thượng đỉnh ngày 17/12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo Anh về việc đưa ra những yêu cầu thay đổi “không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi một nỗ lực chung lớn hơn nữa trong vấn đề khủng hoảng người di cư.

Hội nghị đã đánh dấu sự kết thúc một trong những năm khó khăn nhất của khối liên minh này thời gian gần đây.

Theo Tổng thống Pháp Francois Hollande và những lãnh đạo cấp cao khác trong EU, lời đề nghị của Thủ tướng Anh David Cameron về thiết lập giới hạn phúc lợi ngoài lương đối với người lao động châu Âu ở Anh đe dọa phá vỡ những nguyên tắc cốt lõi của liên minh gồm 28 quốc gia này. Thủ tướng Anh đã cam kết sẽ “chiến đấu đến cùng” nhằm đạt được một thỏa thuận với EU về vấn đề này tại hội nghị tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 2/2016, trước khi tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, với một châu Âu bị chia rẽ sâu sắc bởi một năm ghi nhận làn sóng gần một triệu người di cư đến đây, chủ yếu là người Syria, cùng với những cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp và Ukraine, cuộc tấn công khủng bố tại Paris (Pháp), những người đồng cấp của ông Cameron không hào hứng thỏa hiệp.

Vấn đề người tị nạn đang gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ EU.

Thủ tướng Anh có sự hậu thuẫn lớn cho những mục tiêu bảo vệ những nước thành viên không thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, miễn trừ trước mục tiêu "liên minh gần gũi hơn bao giờ hết" của EU và nâng cao tính cạnh tranh kinh tế. Tuy nhiên, những người đồng cấp đến từ những quốc gia còn lại, ngoại trừ Ireland và Đan Mạch, đều phản đối yêu cầu bắt buộc người di cư tại Anh phải làm việc 4 năm trước khi được hưởng phúc lợi như nhà ở xã hội hay những khoản trợ cấp cho trẻ em.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà muốn tránh để xảy ra cái gọi là “Brexit” (chỉ việc Anh rút khỏi EU), song cũng “không nên hạn chế những nguyên tắc cơ bản của EU”. Các quốc gia ở Đông Âu đều được hưởng lợi lớn từ khả năng thích nghi và làm việc tại bất kỳ nơi nào trong EU, đặc biệt là tại Anh, nước cho rằng sắp thay thế Đức để trở thành quốc gia đông dân nhất EU vào năm 2050. Bốn quốc gia bao gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia, và Cộng hòa Czech, cho biết họ “sẽ không ủng hộ bất kỳ giải pháp nào có thiên hướng phân biệt đối xử hoặc hạn chế sự tự do đi lại”.

Cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 12 của EU trong năm nay - một con số kỷ lục - cũng để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư và nguy cơ mà nó đặt ra cho khối Schengen, khu vực “đi lại tự do không cần hộ chiếu” trong EU. Những rạn nứt sâu sắc đã xuất hiện sau khi bà Merkel mở cửa biên giới cho người di cư Syria, tạo ra làn sóng người di cư đổ vào các nước trung chuyển, buộc một số nước phải tạm ngừng áp dụng các quy định trong khối Schengen và tái khởi động việc kiểm tra tại khu vực biên giới. Hiện các nhà lãnh đạo EU đang tranh luận về kế hoạch thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới mới có thể can thiệp vào từng quốc gia thành viên, ngay cả khi không có sự cho phép, nhằm giúp các quốc gia tiên phong chống đỡ và ngăn chặn dòng người di cư.

Rất nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại kế hoạch sẽ khiến họ phải bỏ lại quyền tối thượng tại Brussels, trong đó có Ba Lan và Hy Lạp, hai quốc gia có số người di cư đến đông nhất. Trước việc EU đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, bà Merkel nhấn mạnh bà “ủng hộ mạnh mẽ” chương trình bảo vệ biên giới, trong khi đó Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng bất kỳ giải pháp nào khác đều sẽ “gây đau đớn không kém”. Bà Merkel đã dùng từ “rất tốt” khi nói về cuộc họp giữa 11 quốc gia EU và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ bên lề cuộc thảo luận về kế hoạch tái định cư cho hàng nghìn người di cư Syria tại các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, một bản báo cáo của EU ngày 17/12 cho biết thỏa thuận trị giá 3,2 tỉ USD với Ankara đạt được hồi tháng 11 vừa qua nhằm giúp thêm nhiều người di cư ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay hầu như không có hiệu quả, không giảm thiểu được số người di cư đổ sang Hy Lạp.

Những kế hoạch khác bị “sa lầy” bởi sự phân bổ hạn ngạch người di cư, trong đó có thỏa thuận phân bổ 160.000 người di cư cho từng thành viên EU trong bối cảnh Hy Lạp và Italy bị quá tải, dẫn tới việc đến nay chỉ có 208 người di cư đã được tái định cư. Nguyên nhân chủ yếu một lần nữa lại do sự khác biệt quan điểm giữa các nước Đông Âu.
TTK