06:19 21/06/2019

Giới chức Mỹ mật họp tại Phòng Tình huống, sắp 'đáp trả có giới hạn' với Iran

Lệnh tấn công Iran được Tổng thống Trump rút lại vào phút chót sau khi đã phê chuẩn, tuy nhiên, Chính quyền Mỹ được cho là sẽ sớm có hành động "đáp trả giới hạn" với Tehran sau vụ bắn rơi máy bay do thám.

Chú thích ảnh
Hình ảnh chiếc máy bay do thám Mỹ bị Iran bắn rơi. Ảnh:

Kênh Fox News cho biết, các quan chức hàng đầu trong chính quyền và các nhà lập pháp đã rời Nhà Trắng sau cuộc họp mật kéo dài trên một giờ đồng hồ bàn về vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ ở Trung Đông, và một phản ứng đáp trả “có giới hạn” nhiều khả năng sắp được đưa ra.

Giữa căng thẳng dâng cao giữa Mỹ và Iran, trước đó Nhà Trắng đã mời các lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội Mỹ và đại diện cả đảng Cộng hòa và Dân chủ tại các Ủy ban Tình báo Thượng viện và Ủy ban Quân lực Hạ viện gặp gỡ Tổng thống tại Phòng Tình huống.

Những người khác tham gia cuộc họp quan trọng này bao gồm Giám đốc CIA Gina Haspel, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân tướng Joseph Dunford, Ngoại trưởng Mike Pompeo, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan và Bộ trưởng Lục quân Mark Esper, người dự kiến được Tổng thống đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Shanahan được truyền thông phát hiện xuất hiện bên ngoài Nhà Trắng mang theo một kẹp file tài liệu có dán nhãn "SECRET/NOFORN”, một xếp loại thông tin tình báo mật cấm bất cứ người nào bên ngoài nội các tiếp cận.

Chú thích ảnh
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan cầm tài liệu dán nhãn mật khi ông tới dự cuộc họp mật với Tổng thống tại Nhà Trắng ngày 20/6. Ảnh: AP

Xem video do Iran công bố về vụ bắn hạ máy bay do thám Mỹ (Nguồn: RT):

Trả lời Fox News, Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết “chúng tôi đã có một cuộc thảo luận ngắn tốt đẹp”, và chính quyền Tổng thống Trump sẽ có hành động “đáp trả có giới hạn”.Nghị sĩ McConnell xác nhận vị trí chính xác của chiếc máy bay do thám bị bắn rơi là trên không phận quốc tế. Trong khi đó, phía Iran khẳng định chiếc máy bay đã xâm phạm không phận nước này.

Trong một tuyên bố chung, Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy và Nghị sĩ Michael McCaul, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nghị sĩ Devin Nunes, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện và Mac Thornberry, nghị sĩ Ủy ban Quân lực Hạ viện, đều lên án “vụ tấn công trực tiếp” của Iran và yêu cầu Mỹ đáp trả “có giới hạn”.

“Iran đã tấn công trực tiếp vào một tài sản Mỹ phía trên vùng biển quốc tế”, các nghị sĩ Cộng hòa nói trên viết trong tuyên bố. “Hành động khiêu khích này diễn ra một tuần sau khi họ tấn công và phá hủy hai tàu chở dầu thương mại trên vùng biển quốc tế. Phải có một sự đáp trả giới hạn đối với những hành động này. Tổng thống Trump và đội ngũ an ninh quốc gia của ông vẫn đang theo dõi tình hình và những gì cần làm để đáp trả với sự gây hấn gia tăng của Iran. Tại Quốc hội, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ quân đội của chúng ta, đất nước chúng ta và các đồng minh của chúng ta trong khu vực”.

Chú thích ảnh
Hai bên Mỹ, Iran tranh cãi về vị trí hoạt động của chiếc máy bay do thám Mỹ khi bị bắn hạ. Ảnh: Fox News

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng ra một tuyên bố riêng sau khi kêu gọi giữ bình tĩnh trước căng thẳng với Iran. “Trước việc Iran nhằm mục tiêu vào một máy bay không người lái Mỹ, điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục hợp tác hoàn toàn với các đồng minh, xác định rằng chúng ta đang không đối mặt với một đối thủ có trách nhiệm và làm tất cả mọi điều trong quyền lực của chúng ta để giảm căng thẳng”.

“Đây là một tình huống căng thẳng cao và nguy hiểm, đòi hỏi một cách tiếp cận chiến lược, thông minh và mạnh mẽ nhưng không được khinh suất”, Fox News dẫn lời bà Pelosi.

Phát biểu với các phóng viên, bà Pelosi cho biết bà tin tưởng tình báo Mỹ đã đúng khi xác nhận chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ khi đang hoạt động trên không phận quốc tế. Tuy nhiên, nữ nghị sĩ bổ sung rằng, về mặt pháp lý Chính quyền Tổng thống Trump vẫn cần thông qua Quốc hội trước khi tiến hành hành động quân sự với Iran.

“Chúng tôi đã nói rất rõ rằng, để tham gia vào bất cứ hành động quân sự nào, chúng ta cần có một luật Ủy quyền Sử dụng Quân lực (AUMF) mới”, bà Pelosi lưu ý.

Trong khi đó, Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, ông Chuck Schumer cho biết ông đã nói với Tổng thống tại cuộc họp là cần phải có một “cuộc tranh luận mở và mạnh mẽ” và rằng Quốc hội nên “có tiếng nói thực sự”. Ông Schumer cũng bày tỏ lo ngại chính quyền có thể dính vào một cuộc chiến tranh.

“Chúng tôi đã có sự ủng hộ của tất cả nghị sĩ Dân chủ về Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) tại Thượng viện, dẫn đầu là Thượng nghị sĩ Udall, theo đó yêu cầu phải có sự phê chuẩn của Quốc hội đối với bất cứ ngân sách nào cấp cho một cuộc xung đột tại Iran”, ông Schumer tuyên bố.

Chú thích ảnh
Tàu chở dầu bị tấn công và đốt cháy trên Vịnh Oman, ngoài khơi Iran hôm 13/6. Ảnh: Reuters

Căng thẳng Mỹ - Iran đã nóng trở lại trong những tuần trở lại đây, bắt đầu từ vụ hai tàu chở dầu bị tấn công và đốt cháy trên Vịnh Oman, ngoài khơi Iran hôm 13/6. Mỹ cáo buộc Iran đã tấn công hai tàu này, trong khi Tehran bác bỏ.

Tiếp đó, ngày 20/6, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) hiện đại của Mỹ. Cả hai phía đều công bố những video về vụ tấn công này và đưa ra tuyên bố trái ngược về vị trí hoạt động của chiếc máy bay khi bị bắn hạ. Tehran khẳng định, chiếc UAV của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời thành phố Hormozgan ở duyên hải miền Nam nước này, song quân đội và giới chức Mỹ khẳng định chiếc máy bay hoạt động trên không phận quốc tế.

Ngày 21/6, tờ New York Times cho biết, Tổng thống Trump đã phê chuẩn lệnh tấn công Iran nhằm trả đũa vụ bắn hạ máy bay do thám không người lái của Hải quân Mỹ nhưng đã rút lại ngay tối 20/6.

Tờ báo dẫn nguồn từ nhiều quan chức chính quyền có liên quan cho biết, vào 7 giờ tối ngày 20/6 (theo giờ địa phương), các quan chức quân sự và ngoại giao Mỹ đã chờ đợi lệnh tấn công sau những cuộc thảo luận và tranh luận căng thẳng tại Nhà Trắng giữa các quan chức an ninh cấp cao của Tổng thống và các nhà lãnh đạo Quốc hội. Ban đầu Tổng thống đã phê chuẩn lệnh tấn công nhằm vào một loạt mục tiêu của Iran như các trạm radar, hệ thống tên lửa. Các máy bay Mỹ khi đó đã ở trên không và tàu chiến vào vị trí sẵn sàng, tuy nhiên không có quả tên lửa nào được phóng ra khi có lệnh dừng tấn công.

Quyết định rút tấn công đã kịp ngừng lại hành động quân sự lần thứ ba của Tổng thống Trump nhằm vào các mục tiêu ở Trung Đông. Nhà lãnh đạo Mỹ trước đó đã hai lần ra lệnh tấn công các mục tiêu tại Syria vào năm 2017 và 2018, chủ yếu bằng loạt tên lửa Tomahawk phóng từ các tàu khu trục của Mỹ trong khu vực.

Thu Hằng/Báo Tin tức