04:00 03/04/2013

Gìn giữ những làn điệu quan họ

Để gìn giữ các làn điệu quan họ, tại vùng Kinh Bắc đã hình thành những CLB quan họ để truyền dạy và giới thiệu với bạn bè, du khách. Một trong số những CLB quan họ có “thâm niên” nhất vùng Kinh Bắc là CLB quan họ thôn Duệ Đông (thị trấn Lim, Bắc Ninh).

Để gìn giữ các làn điệu quan họ, tại vùng Kinh Bắc đã hình thành những CLB quan họ để truyền dạy và giới thiệu với bạn bè, du khách. Một trong số những CLB quan họ có “thâm niên” nhất vùng Kinh Bắc là CLB quan họ thôn Duệ Đông (thị trấn Lim, Bắc Ninh).

 

Truyền dạy cho thế hệ trẻ


CLB quan họ Duệ Đông ra đời cách đây 20 năm với những liền anh, liền chị say mê quan họ. Anh hai lớn tuổi nhất là Nguyễn Thừa Kế, 94 tuổi, một trong hai nghệ nhân thị trấn Lim và là chủ nhiệm CLB quan họ thôn Duệ Đông, kể: “Những lời quan họ cổ ngày càng ít người hát do khó học. CLB quan họ khi thành lập tập hợp những liền anh, liền chị theo từng thôn để mọi người có thể gặp gỡ thường xuyên, nhằm lưu giữ những làn điệu quan họ cổ và truyền dạy cho những người yêu quan họ. Ban đầu chỉ có 10 người, nay CLB đã có hơn 30 người”.


 

Hát đối quan họ.

Nét đặc sắc của quan họ cổ là làn điệu, chính những luyến láy khi hát là nhạc. “Nghe quan họ truyền thống là nghe hát tại nhà, trong không gian thanh vắng, khi ngân lên không cần nhạc vẫn nghe rõ lời, thế mới thấy hết cái hay của quan họ”, anh hai Nguyễn Thừa Kế tâm sự.


Trước đây, hát đối quan họ là để kết bạn, nay chủ yếu hát giao lưu. Hát giao lưu giữa các CLB quan họ cũng là dịp để làm phong phú hơn những làn điệu quan họ.


Quả thật, đến dự buổi sinh hoạt của CLB quan họ thôn Duệ Đông mới thấy để học một làn điệu quan họ cổ không dễ. Bà Nguyễn Kim Thanh, Phó Chủ nhiệm CLB quan họ thôn Duệ Đông, chia sẻ: Khi nghỉ hưu, bà mới học những lời quan họ truyền thống. Để học làn điều và lời mất nhiều thời gian. Như bài “La Giằng” học vài tháng không thuộc, đã định bỏ cuộc, nhưng được anh hai Kế khuyên phải học, vì nếu không hát được lời cổ thì hát quan họ như xây nhà không móng. Và bà đã học cả năm mới hát đúng làn điệu, lời bài này. Mà bài cổ để hát “đối ra đối” có gần 200 bài. Chính vì vậy, để theo được quan họ truyền thống phải có thời gian học, kiên nhẫn và đam mê.


Hiện CLB quan họ thôn Duệ Đông cũng mở lớp hướng dẫn cho thanh thiếu niên học hát quan họ, nhưng chủ yếu vào dịp hè. “Việc truyền dạy cho lớp trẻ chủ yếu là dạy ngoại khóa. Có cháu đam mê học riêng thì những thành viên trong CLB vẫn hướng dẫn nhưng số lượng ít. Chỉ vào dịp hè, chúng tôi có dạy đại trà nhưng cũng dạy những bài dễ như “Ngồi tựa xoan xoan đào”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Ăn ở trong rừng”, “Giã bạn” và những lời mới như “Xe chỉ luồn kim”, “Qua cầu gió bay”… và giới trẻ học muốn có cả nhạc đệm vào cho vui vẻ”, bà Nguyễn Kim Thanh cho biết, “Quả thật thẩm mỹ giới trẻ giờ thay đổi nhiều, cách hát và làn điệu cũng không theo được nguyên gốc. Nhưng có được người nghe và hiểu quan họ cũng đã là rất đáng quý”.


“Thực tế, những người nghe quan họ truyền thống là những người trung niên trở lên. Họ có thời gian trải nghiệm cuộc sống và tâm đắc với những lời bài hát cổ, vì nhiều khi nó như là câu chuyện cuộc đời họ. Còn giới trẻ thì chủ yếu học và hát theo phong trào và thích hát theo lời mới vì dễ hát, lại có nhạc đệm. Âu cũng là xu thế của thời cuộc”, ông Nguyễn Thừa Kế tâm sự.

 

Sớm có chế độ cho nghệ nhân dân gian


Sau khi quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. năm 2010, tỉnh Bắc Ninh đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh cho 41 cá nhân tiêu biểu. Sau 3 năm, đã có 6 người về với tổ tiên, những người còn lại, ít tuổi nhất cũng đã 82 tuổi, nhiều nhất là gần 100 tuổi.


Cả thị trấn Lim, nơi có hội Lim nổi tiếng cả nước, có 3 nghệ nhân được phong nghệ nhân cấp tỉnh, thì 1 nghệ nhân đã mất. Hiện chỉ còn hai nghệ nhân là Nguyễn Thừa Kế và Nguyễn Văn Đắc đều trên 90 tuổi và đang sinh hoạt tại CLB quan họ làng Duệ Đông. “Giờ tuổi cao nên chúng tôi chủ yếu truyền dạy những lề lối, giọng điệu và cách chơi quan họ cho thế hệ sau. Tuy nhiên, những cống hiến của chúng tôi mới ở cấp tỉnh và mong muốn có sự công nhận cấp nhà nước. Chúng tôi cũng gần đất xa trời nên cũng muốn để lại điều gì đó để thế hệ sau có động lực phát huy, học tập, giúp phong trào quan họ của địa phương tốt lên”, ông Nguyễn Thừa Kế tâm sự.


“Trong khi chờ Bộ VH, TT&DL đang xây dựng dự thảo Nghị định “Quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ, đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú” để trình Chính phủ ký ban hành, thì tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng chế độ thù lao hàng tháng cho nghệ nhân dân ca quan họ. Đồng thời sẽ có chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho các cụ”, lãnh đạo Sở VH, TT & DL tỉnh Bắc Ninh cho biết.


Bài và ảnh: Xuân Minh