Bên cạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, quá trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội luôn hướng đến mục tiêu gìn giữ bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống.
Gìn giữ bản sắc văn hoá
Cùng với cả nước, từ ngày 1/7, Thành phố Hà Nội vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, với việc thành lập các xã, phường mới có diện tích lớn, dân số đông, nhiều thôn, làng với lịch sử và văn hóa đa dạng... Trong bối cảnh đó, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá, khai thác phát triển du lịch, gắn kết tình làng nghĩa xóm là định hướng chiến lược trong xây dựng nông thôn Hà Nội bền vững.
Khách quốc tế hào hứng trải nghiệm cấy lúa tại Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: TTXVN phát
Phường Sơn Tây được hình thành trên cơ sở sáp nhập một phần các phường và xã thuộc thị xã Sơn Tây cũ, gồm các phường: Ngô Quyền, Phú Thịnh, Viên Sơn, một phần các phường: Trung Hưng, Sơn Lộc và xã Thanh Mỹ và xã Đường Lâm. Đây được coi là trung tâm xứ Đoài, vùng đất cổ chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó, làng cổ Đường Lâm với hệ thống di tích quốc gia đồ sộ, như: Đền Và (thờ Thánh Tản Viên), chùa Mía, đình Phù Sa, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền…
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, người dân tại Đường Lâm chia sẻ: Thôn Mông Phụ là “vùng lõi” làng cổ Đường Lâm có nhiều di tích được khách du lịch biết đến, như: Đình Mông Phụ gần 500 năm tuổi; nhà thờ họ Giang gắn với Thám hoa Giang Văn Minh, vị sứ thần tài ba hay nhiều ngôi nhà cổ đã hàng trăm năm tuổi…
Là làng cổ nên nơi đây có nhiều lễ hội, tục lệ cũ, việc họp xóm, họp làng được tổ chức thường xuyên. Vào ngày giỗ của hai vị vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền cùng Thám hoa Giang Văn Minh, theo tục lệ, chính quyền địa phương tổ chức nghi lễ, còn các hộ dân trong làng “góp giỗ”. Cúng giỗ xong, cả làng quây quần thụ lộc.
Trong khi đó, xã Phù Đổng được thành lập trên cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính gồm toàn bộ quy mô dân số của thị trấn Yên Viên, các xã: Yên Viên, Yên Thường, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Thiên Đức và một phần diện tích tự nhiên của xã Cổ Bi, Đặng Xá.
Toàn bộ các xã trước khi sáp nhập đều đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, 3 xã: Phù Đổng, Yên Thường, Ninh Hiệp (cũ) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp nối thành tựu, xã Phù Đổng phấn đấu trở thành một trong những địa phương tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát huy giá trị văn hóa, lịch sử…
Xã Phù Đổng còn là quê hương của Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Từ năm 2021, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 4728/QĐ-UBND về việc công nhận Điểm du lịch Phù Đổng. Theo đó, thôn Phù Đổng 2 là điểm đến trong hành trình tour du lịch Phù Đổng kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn Thủ đô.
Với định hướng lâu dài xây dựng Điểm du lịch Phù Đổng, thôn Phù Đổng 2 trở thành “địa chỉ đỏ” để du khách thập phương tham quan di tích lịch sử đền Phù Đổng với lễ hội Gióng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”; thăm mô hình vườn đồng của các hộ dân... Đây cũng là cơ hội để các loại hình dịch vụ, thương mại trên địa bàn xã phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Theo thống kê, xã Phù Đổng có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, với 101 di tích lịch sử văn hóa, 4 di tích cách mạng kháng chiến. Trong đó, có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, 19 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp thành phố. Ngoài ra, còn có các di tích tiêu biểu như: Đình Xuân Dục, chùa Phúc Nương, đền thờ Quận công Nguyễn Đình Huấn, đình Hạ Thôn, chùa Nành; đình, chùa Ninh Giang, Từ vũ Nguyễn Thọ Tràng…
Bên cạnh việc tập trung phát triển các cụm công nghiệp tập trung, công nghệ cao, công nghiệp sạch, dịch vụ logistics, xã xác định hình thành các tổ hợp công trình văn hóa, công viên sinh thái, hoạt động vui chơi giải trí, không gian xanh ven sông Đuống, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, phát triển du lịch nông nghiệp đô thị sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đồng thời, xã Phù Đổng tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu du lịch xứng tầm giá trị của các di sản quốc gia và thế giới.
Tại xã Ô Diên hợp nhất từ 7 xã cũ: Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập và Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng cũ), Xã Ô Diên xác định nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành gần với không gian Thành cổ Ô Diên đến năm 2035, tầm nhìn 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tôn vinh những cống hiến to lớn của danh nhân Tô Hiến Thành đối với lịch sử, văn hóa Việt Nam mà phát huy vốn di sản quý giá của địa phương, thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
Cụm di tích lịch sử tại xã Hạ Mỗ.
Chủ tịch UBND xã Ô Diên Đỗ Chí Hưng cho biết, trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Ô Diên sẽ tiến hành thực hiện các nhiệm vụ lập dự án khơi thông dòng sông Nhuệ, xây dựng Công viên di sản văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành, lập hồ sơ đề nghị Ủy ban UNESCO công nhận danh nhân Tô Hiến Thành là danh nhân văn hóa thế giới. Đồng thời đề nghị nâng hạng cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, miếu Hàm Rồng, đền Chính Khí, đền Chi Trỉ là di tích quốc gia đặc biệt.
Xã Ô Diên xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, sứ mệnh của xã trong thời gian tới nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích, di sản văn hóa cha ông để lại, tránh tác động của đô thị hóa, nhất là trong bối cảnh Sở Quy hoạch – Kiến trúc đang triển khai làm quy hoạch phân khu đô thị.
Bảo tồn và phát triển
Tại đại hội điểm cấp xã của Hà Nội mới đây, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới của xã bên cạnh việc thu hút đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu chỉ đạo tại đại hội xã Phúc Thọ. Ảnh: QP
Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị, Đảng bộ xã Phúc Thọ cũng yêu cầu: Xã tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng văn hóa và con người Phúc Thọ văn minh, tiêu biểu cho văn hóa xứ Đoài, cho lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, tôn trọng pháp luật. Tích cực huy động mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa cho phát triển giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: Công tác xây dựng nông thôn mới Hà Nội thời gian qua luôn được các cấp chính quyền Hà Nội quan tâm đầu tư nguồn lực. Trong quá trình đó, văn hoá là một tiêu chí quan trọng, gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống, phát triển du lịch.
Thành phố ưu tiên nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để bảo tồn, khôi phục không gian văn hóa làng nghề truyền thống, di tích cấp quốc gia và cấp thành phố tại các địa phương có tiềm năng. Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở thu nhập tăng, hạ tầng khang trang mà phải giữ được cốt cách văn hóa nông thôn…
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, văn hóa làng làm nên nhiều nét đẹp truyền thống của người Việt. Đó là “tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tắt đèn có nhau”, tạo sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết.
Do vậy, trong xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” thường xuyên lưu ý các địa phương: Xây dựng nông thôn mới phải bám theo quy hoạch, nông thôn gắn kết hài hòa với đô thị và có chức năng bảo tồn cảnh quan, cân bằng sinh thái, tạo vành đai môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa... Nhiều vùng quê đã và đang trở thành hình mẫu trong phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy kinh tế, gắn kết cộng đồng…