11:16 19/11/2019

Gieo chữ ở vùng cao Tây Bắc - Bài 3: Chăm sóc học sinh như con

Học sinh người Mông, Dao, Tày… từ bản xa về ăn, ở bán trú tại các điểm trường được thầy, cô giáo yêu thương, chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ. Thương học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên giáo viên đã nhận các em làm con nuôi để học sinh có điều kiện tốt hơn khi tới trường.

Cô giáo đùm bọc 4 em nhỏ

Mỗi sớm, tại khu vực thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), người ta lại thấy một người phụ nữ với dáng vẻ gầy guộc tất bật chuẩn bị cho bốn đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau đến trường. Nếu ai không biết có thể nghĩ rằng đó là một người mẹ và bốn đứa con nhỏ.

Chú thích ảnh
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh - Trường Mầm non số 2 thuộc thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đón 4 em bé người Mông hoàn cảnh khó khăn về nhà chăm sóc. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Thực tế, người phụ nữ ấy là một cô giáo đã tình nguyện đón 4 em nhỏ người Mông về nhà để chăm lo cho các cháu ăn học… Về thị trấn Phong Hải, hỏi cô giáo nhận nuôi 4 cháu nhỏ ai cũng biết là cô Nguyễn Thị Thanh Minh, giáo viên Trường Mầm non số 2 (thị trấn Phong Hải).

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh cho biết, nhà các cháu ở bản xa, phải trèo lên đỉnh Sảng Pả, đường đất ẩm ướt, trơn trượt khó đi. Thấy 4 đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc, đầu tóc bù xù, quần áo không lành lặn, thương các con, cô giáo đã xin nhà trường và phụ huynh để đưa về nhà chăm sóc. Sau khi về ở, các cháu được dạy dỗ cẩn thận, mọi thứ đi vào khuôn phép. Những đứa trẻ thiếu ăn bỗng chốc trở nên khỏe mạnh, mỗi cháu tăng 1-2 kg.

Chú thích ảnh
Tiết học yêu thương của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh - Trường Mầm non số 2 thuộc thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Cô Minh kể: Cháu Cư Thị Chứ nhỏ tuổi nhất, tóc vàng hoe, có cả tổ chấy trên đầu. Cô phải tắm rửa, chải tóc cho cháu liên tục mới hết ngứa ngáy, khó chịu. Mấy ngày đầu nhìn lũ trẻ hớn hở, vui đùa vì lần đầu được tắm gội bằng xà phòng thơm, rồi được mặc áo mới cười khúc khích, cô rất hạnh phúc.

Nhờ có sự kiên trì cùng nhiệt huyết, cô giáo được đồng bào Mông trên đỉnh Sảng Pả rất yêu quý và đồng ý cho con xuống dưới học tập. Những nghĩa cử cao đẹp của cô Minh cũng đánh thức được lòng tốt của mọi người. Lo cho cô vất vả, nhà trường kêu gọi giáo viên và các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ gạo, quần áo, một số nhu yếu phẩm khác hỗ trợ học sinh có cuộc sống tốt hơn.

Nuôi dạy tốt học sinh bán trú

Những năm gần đây, có chế độ bán trú, học trò vùng cao Tây Bắc được ăn, ở tại trường để yên tâm học tập. Mỗi bữa cơm nóng hổi trở thành động lực khuyến khích học trò vùng cao Tây Bắc xuống núi học chữ.

Pa Vệ Sử thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là xã biên giới, có hai dân tộc ít người là La Hủ và Mảng, đời sống đồng bào rất khó khăn. Thầy cô giáo phải thường xuyên trèo đèo, lội suối về các bản, gặp phụ huynh để vận động đưa học sinh ra lớp.

Chú thích ảnh
Học sinh ở các bản xa về Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè (Lai Châu) được thầy cô chăm sóc nuôi ăn học. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Về trường ở bán trú, học sinh được thầy cô giáo yêu thương như con, mua quần áo, giày dép và lo lắng từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Vì vậy, các em vui sướng khi về trường vì vừa được ăn ngon và vui chơi cùng bạn bè.

Xã Pa Vệ Sử có hơn 2.600 nhân khẩu và hơn 560 hộ, trình độ dân trí thấp, đời sống đồng bào đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 15 bản nhưng có tới 4 bản giáp biên giới, giao thông đi lại vất vả. Phụ huynh mong muốn con ở nhà phụ giúp công việc, các em ngại đường xa nên không muốn xuống trường học.

Năm học 2019-2020, Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Pa Vệ Sử có 275 học sinh, trong đó 172 học sinh ở bán trú. Theo chế độ chính sách học sinh bán trú, mỗi tháng, các em được hỗ trợ 520 nghìn đồng và 15 kg gạo.

Thầy Phan Thanh Hội, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Pa Vệ Sử cho biết, để học sinh từ bản xa về trường ăn học, không bỏ học, các giáo viên phải yêu thương, chăm sóc tận tình, chu đáo cho các em.

Nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động vui chơi, sinh hoạt ngoại khóa để gắn kết học sinh khác dân tộc, khác lứa tuổi hòa đồng vui vẻ, muốn ở lại trường, không bỏ về bản. Trong năm học vừa qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích, có học sinh đạt học sinh giỏi huyện và tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 90% đến 100% học sinh lên lớp.

Chú thích ảnh
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè (Lai Châu) được ở trong căn phòng kiên cố, ấm cúng. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN  

Theo thầy Phan Thanh Hội, để đạt tỷ lệ chuyên cần cao, ngay từ đầu năm, các thầy cô giáo phải tập trung về trường sớm, thực hiện nhiệm vụ vận động, đưa học sinh ra lớp. Do điều kiện thiếu thốn nên thầy cô giáo phải ở nhà tạm bợ để phòng xây kiên cố cho học sinh ở. Để rèn kỹ năng sống và ý thức tự giác, có rau xanh cải thiện bữa ăn, thầy cô giáo Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Pa Vệ Sử tổ chức cho các em trồng rau xanh. Chiều về, các em tập trung vun luống trồng rau, tưới nước. Vườn rau cải của thầy cô và trò đã bén rễ, phát triển xanh tốt. Nơi biên giới, núi nối núi, rừng nối rừng, sương mù bao bọc nhưng tình yêu thương của thầy cô giáo và học sinh rất ấm áp.

Hiện nay, địa bàn huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) có 22 trường phổ thông dân tộc bán trú, nuôi dạy 3.072 học sinh. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè Lý Mý Ly khẳng định, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự cống hiến tận tâm của đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục của huyện được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ chuyên cần đạt 96%...

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè quyết liệt trong việc không để bản "trắng" lớp học và học sinh không được đến trường. Dù các điểm ở vùng sâu nhưng giáo viên vẫn vượt khó khăn để đứng lớp, dạy con chữ cho học sinh. Tuy nhiên, do hệ thống trường, lớp còn nhiều phòng học tạm, học sinh thiếu thốn đủ bề nên rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

Bài cuối: Nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao

Việt Hoàng - Lục Thu - Khánh Cường (TTXVN)