04:19 20/04/2017

Giật mình vì 5 năm mới khởi tố được 1 vụ vi phạm an toàn thực phẩm

Dù đánh giá vi phạm về an toàn thực phẩm hiện nay rất nghiêm trọng, nhưng báo cáo về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 cho thấy chỉ mới khởi tố được 1 vụ vi phạm trong số 300 vụ chuyển qua hình sự. Con số này khiến Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phải đặt câu hỏi.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm nhẹ nhất là 2 – 5 năm tù. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị tù chung thân hoặc tử hình.

“Hành lang pháp lý hiện nay hoàn toàn đủ sức răn đe với các tội liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm”, đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Chiều 20/4, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian qua, có nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất về an toàn thực phẩm, đi sâu tới các chuyên ngành thực phẩm đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về vấn đề này. Nhưng Quốc hội cần sớm thông qua Bộ luật Hình sự để có đủ chế tài, răn đe mạnh, xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: H.V

Về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Quốc hội cho rằng, hành lang pháp lý không thiếu. Trong điều 244 của Bộ luật Hình sự hiện nay, nhóm tội vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, buôn lậu…bị phạt tù 1-5 năm, gây hậu quả rất nghiêm trọng từ 3-10 năm tù, đặc biệt nghiêm trọng phạt tù 7- 15 năm. Tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm… nhẹ nhất là phạt 2-7 năm tù. Đặc biệt nghiệm trọng còn có thể bị chung thân hoặc tử hình. Do vậy, đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, luật có đầy đủ nhưng đưa ra xử lý rất khó. Vì khó đánh giá chính xác sức khỏe tổn hại như thế nào. Vì vậy, đọc luật thấy rất nghiêm khắc nhưng không xử được ai. Như vậy, tính nghiêm khắc không còn.

Về vấn đề này, Thượng tướng Lê Quý Vương Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hình phạt không nhẹ nhưng khó nhất là việc thực hiện. Thứ nhất, tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chưa được cụ thể hóa. Thứ hai, việc giám định người bị ảnh hưởng, chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe, độc tố rất khó khăn. Vì nhiều khi, hậu quả không xảy ra ngay. Ví dụ, uống rượu vài ngày mới ngộ độc. Do vậy, đề nghị các bộ đưa ra danh mục các chất cấm đầy đủ sẽ dễ xử lý hơn. 

Mới khởi tố được 1 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm

Trong báo cáo về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 có nêu, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm chuyển qua hình sự là 300 vụ nhưng chỉ khởi tố 1 vụ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề, tại sao lại có việc này khi chúng ta đánh giá vi phạm về an toàn thực phẩm hiện nay rất nghiêm trọng.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong 5 năm đã xử lý gần 13.300 vụ việc về an toàn thực phẩm, riêng lực lượng công an trực tiếp xử lý trên 8.200 vụ. Số lượng khởi tố hình sự là 91 vụ. Trong đó, có một vụ liên quan trực tiếp tới Điều 244 của Bộ Luật Hình sự vi phạm về an toàn thực phẩm. Đó là vụ Công ty Xuất nhập khẩu 29, truy tố giám đốc và hai nhân viên sản xuất rượu, gây ngộ độc làm chết 6 người. Đây là vụ việc duy nhất liên quan trực tiếp tới an toàn thực phẩm. 90 vụ còn lại có liên quan tới an toàn thực phẩm như sản xuất hàng giản, buôn lậu thực phẩm, vận chuyển trái phép…
 
Để tăng cường quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, nguồn nhân lực để thực hiện công việc này vẫn còn thiếu, yếu, nhất là trong bối cảnh tinh giản biên chế. Nguồn lực còn hạn chế. Do vậy, Bộ kiến nghị được giữ lại số tiền xử phạt để tăng cường nguồn lực, đồng thời tăng cường mức xử phạt để răn đe.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã nỗ lực nhưng chưa đạt được như mong đợi. An toàn thực phẩm thực sự là mối quan tấm rất lớn đối với nhân dân, đặc biệt xuất hiện nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng. Vì sao lại có tình trạng rau hai luống, một luống để bán, một luống để ăn. Uy tín của thực phẩm Việt Nam chịu áp lực rất lớn trong bối cạnh hội nhập, hàng hóa có thể bị trả lại, đàm phán khó khăn. Như vậy, việc cạnh tranh khó khăn hơn. Do vậy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là rất quan trọng.

H.V/Báo Tin Tức