12:14 20/12/2010

Giáo xứ An Bình:Điểm sáng tiêu biểu "xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa"

Còn gần một tuần nữa mới đến lễ Giáng sinh nhưng không khí nhộn nhịp, vui tươi đã tràn ngập giáo xứ An Bình (thuộc khu phố 6, phường 3) - điểm sáng tiêu biểu trong mô hình xây dựng "Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa" của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Còn gần một tuần nữa mới đến lễ Giáng sinh nhưng không khí nhộn nhịp, vui tươi đã tràn ngập giáo xứ An Bình (thuộc khu phố 6, phường 3) - điểm sáng tiêu biểu trong mô hình xây dựng "Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa" của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Cách nhà thờ Chính tòa Đà Lạt khoảng 1,5 km về phía hồ Tuyền Lâm là giáo xứ An Bình. Từ xa, đứng trên những triền dốc trông An Bình như một thung lũng xanh; những con đường đi về khu phố đều được trải nhựa, thoáng mát và sạch đẹp.


Ông Dương Hải Long, Chủ tịch UBND phường 3, thành phố Đà Lạt cho biết: Giáo xứ An Bình có 425 hộ dân theo đạo công giáo, chiếm 78% số hộ trong khu phố. Trong đó có hơn 80% hộ dân làm nông nghiệp, còn lại chủ yếu sống nhờ vào kinh doanh, làm dịch vụ và buôn bán nhỏ.


Trong 10 năm liền An Bình luôn giữ vững danh hiệu "khu phố văn hóa cấp tỉnh". Với tinh thần "lương giáo như một", đến nay có 367/425 hộ tự nguyện đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó 86% số hộ đã được công nhận là gia đình văn hóa; ba năm liền giáo xứ không có tệ nạn xã hội.

Nhà thờ giáo xứ An Bình - Đà Lạt.

Dạo quanh một vòng trong khu phố, khi nhắc đến chuyện xây dựng "gia đình văn hóa", hầu như các giáo dân đều nói về phong trào xây dựng gia đình "ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, gia đình no ấm, hòa thuận, hạnh phúc''.

Các gia đình công giáo đã giữ gìn và phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần những yếu tố lỗi thời, lạc hậu.

Ông Trần Quang Minh, một giáo dân của giáo xứ An Bình vui vẻ cho biết: "Cuộc sống của bà con giáo dân ở đây rất yên bình, riêng gia đình tôi đã 20 năm làm nghề buôn bán các mặt hàng đồ gia dụng và sinh sống tại khu phố này, kinh tế cũng đã ổn định, con cái đều được ăn học thành đạt và đã có việc làm ổn định".

Cũng theo ông Minh, cộng đồng giáo dân ở đây rất quan tâm đến giáo dục của thế hệ trẻ, 100% con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, nhiều năm liền không có học sinh bỏ học.

Nhiều học sinh của giáo xứ còn tích cực tham gia vào "câu lạc bộ phòng chống bạo lực học đường". Đây là câu lạc bộ đầu tiên và cũng là duy nhất tính đến thời điểm này tại TP Đà Lạt.

Không chỉ vậy, bà con giáo dân trong khu phố còn nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp tiền của để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở ở địa phương như hội trường của khu phố, chốt dân phòng và các hố tập kết rác thải công cộng.

Bà con giáo dân ở đây sống chủ yếu bằng trồng rau và hoa. Lãnh đạo địa phương đã tích cực tuyên truyền, áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới.

Ba năm gần đây thu nhập bình quân đầu người trong giáo xứ luôn cao hơn mức thu nhập bình quân trong vùng.


Bên cạnh đó, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số ngày càng được bà con giáo dân nhận thức sâu sắc, xem đó là yếu tố cơ bản để xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Linh mục quản xứ Võ Trung Thành khẳng định: "Tôi luôn khắc ghi trong thâm tâm là làm sao đạt được mục đích vận động bà con lương giáo đoàn kết thương yêu nhau, cùng nắm tay nhau phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, cùng tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Với tinh thần mỗi người dân đều trở thành những điểm sáng trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", mà cụ thể là mô hình "xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa".

Phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa ở An Bình đã giúp bà con lương cũng như giáo ngày một thắt chặt mối quan hệ, xây dựng lối sống lành mạnh trong mỗi gia đình.

Đặng Tuấn - TTXVN