04:20 01/04/2012

Giao tranh ở Mali, phiến quân chiếm TP Gao

Ngày 31/3, các nguồn tin dân sự và quân sự tại Mali cho biết quân đội nước này đã bỏ các căn cứ quân sự quanh thành phố Gao ở miền Bắc sau cuộc tấn công ác liệt của phiến quân.

Ngày 31/3, các nguồn tin dân sự và quân sự tại Mali cho biết quân đội nước này đã bỏ các căn cứ quân sự quanh thành phố Gao ở miền Bắc sau cuộc tấn công ác liệt của phiến quân.

Theo một nguồn tin dân sự, phiến quân đã kiểm soát cả hai căn cứ chính quanh thành phố Gao trong khi một nguồn tin khác nói rằng chỉ một căn cứ bị chiếm. Phóng viên Reuter tại Gao cho hay giao tranh không xảy ra trong thành phố còn nguồn tin từ chính quyền địa phương thì cho biết hàng chục xe của quân đội đang rút khỏi các căn cứ, trên đường tới thủ đô Bamacô của Mali.


Các tay súng Mali tại thủ đô Bamako ngày 29/3. Ảnh: AFP/ TTXVN



Người đứng đầu chính quyền quân sự, Đại tá Amadou Sanogo, tuyên bố trên truyền hình quốc gia: "Vì các căn cứ gần với khu vực dân cư, lực lượng của chúng tôi đã quyết định ngừng chiến đấu". Phiến quân Tareq xác nhận họ đã kiểm soát thành phố Gao cũng như đã bao vây Timbuktu, thành phố cuối cùng ở miền Bắc Mali chưa rơi vào tay lực lượng phiến quân.

Cuộc tấn công thành phố Gao diễn ra một ngày sau khi các phiến quân chiếm Kidal - một trong ba thành phố chính ở miền Bắc Mali cùng với Gao và Timbuktu.

Trước tình trạng bất ổn gia tăng tại Mali, chủ tịch đương nhiệm của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) là Tổng thống Cốt Đivoa Alassane Ouattara cho biết khối này đã đặt 2.000 binh sĩ trong tình trạng "báo động", sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Trước đó, ngày 29/3, ECOWAS đã ấn định thời hạn ba ngày cho lực lượng đảo chính tại Mali phải khôi phục hiến pháp, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao.

Cuộc đảo chính vừa qua khiến chính trường Mali rơi vào khủng hoảng nặng nề và tranh thủ cơ hội này, phiến quân Tuarếch phối hợp với nhóm Hồi giáo vũ trang Ansar Dine bắt đầu tấn công các thành phố ở miền Bắc.

Kể từ khi châm ngòi xung đột tại miền Bắc Mali hồi năm ngoái, phiến quân Tuarếch đã giành quyền kiểm soát một số thị trấn khiến 200.000 người phải lánh nạn. Cộng đồng Tuarếch có khoảng 1,5 triệu người, gồm các bộ lạc du mục cư trú rải rác tại nhiều quốc gia như Angiêri, Buốckina Phaxô, Libi, Nigiê và Mali. Trong số các quốc gia này, Mali và Nigiê là hai quốc gia thường xuyên xảy ra các hoạt động nổi dậy của người Tuarếch đòi thành lập nhà nước độc lập trong hàng chục năm qua.


TTXVN/Tin tức