02:09 06/02/2015

Giao thông Jakarta tồi tệ nhất thế giới

Jakarta đã nhận “danh hiệu” thành phố giao thông tồi tệ nhất trên thế giới theo các số liệu điều tra do hãng sản xuất dầu nhờn Castrol của Anh thực hiện.

Sau khi bị xếp cuối cùng về chỉ số thanh bình trong bảng xếp hạng của Economist Intelligence Unit (EIU), một cơ quan nghiên cứu thuộc tạp chí uy tín, The economist vào tuần trước, Jakarta đã nhận thêm “danh hiệu” thành phố giao thông tồi tệ nhất trên thế giới, theo các số liệu điều tra do hãng sản xuất dầu nhờn Castrol của Anh thực hiện.

Castrol tiến hành kiểm tra điều kiện giao thông tại 78 thành phố và khu vực trên toàn thế giới, bao gồm châu Á, Australia và châu Âu, cũng như Bắc và Nam Mỹ, nhưng không bao gồm Ấn Độ và Việt Nam. Các chỉ số dữ liệu được chia sẻ ẩn danh bởi hàng triệu người sử dụng thiết bị định vị TomTom trên toàn thế giới để đo các điểm Stop – Start (dừng và khởi hành) trung bình mỗi km ở mỗi thành phố. Con số này sau đó được nhân với khoảng cách lái xe trung bình mỗi năm.

Giao thông ở Jakarta là "cơn ác mộng". Ảnh: time.com


Theo khảo sát, Jakarta là thành phố có số lượng điểm Stop – Start nhiều nhất với trung bình 33.240 điểm đối với mỗi lái xe trong một năm. Theo sát sau Jakarta là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, với 32.520 điểm Stop – Start mỗi lái xe/năm, tiếp theo là thành phố Mexico, với 30.840 điểm. Thành phố Surabaya, Đông Java của Indonesia cũng được đưa vào danh sách này với mức trung bình Stop-Start đứng thứ tư (29.880 mỗi lái xe/ năm).

Trước việc thông tin điều tra trên được công bố, Thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama cũng thừa nhận tình trạng tắc nghẽn giao thông của thành phố có thể là một trong những tồi tệ nhất trên thế giới. Bởi lẽ, Jakarta không có được một hệ thống giao thông công cộng tốt, đường phố hầu như lúc nào cũng đông nghịt.

Giao thông công cộng của Jakarta bao gồm chủ yếu là xe buýt tuyến và xe buýt nhỏ, trong đó nhiều lái xe khá ẩu và thường dừng lại đón, trả khách ngay giữa đường.

Người dân thành phố đang hy vọng tình trạng giao thông sẽ được cải thiện trong vài năm tới, khi hệ thống tàu điện ngầm được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, theo Thống đốc Jakarta Basuki, phải đến năm 2019, hệ thống tàu điện ngầm mới có thể hoàn thành thay vì năm 2017 như dự kiến ban đầu.


Đỗ Quyên
(P/v TTXVN tại Indonesia)