12:14 17/12/2010

Giao thông dịp Tết: Căng thẳng trong vòng kiểm soát?

Sắp đến kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2011 và hơn một tháng sau đó sẽ đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Mão, theo dự báo của các công ty quản lý bến xe, nhà ga tại Hà Nội...

Sắp đến kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2011 và hơn một tháng sau đó sẽ đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Mão, theo dự báo của các công ty quản lý bến xe, nhà ga tại Hà Nội, lượng khách đi lại tập trung bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không sẽ tăng đột biến, gấp 3-4 lần so với ngày thường.


Và đến hẹn lại lên, người dân sẽ khó tránh khỏi tình trạng "nhồi nhét" khách, bắt chẹt, cò vé, ùn tắc… Tuy nhiên, đến thời điểm này, các bến xe, nhà ga và các lực lượng chức năng đã chủ động, sẵn sàng các phương án giảm tải, giảm thiểu khó khăn cho người dân.

Khó tránh ùn tắc cục bộ

Căn cứ vào lượng khách đi lại trong các dịp lễ, Tết của năm trước và dự kiến lưu lượng hành khách có thể tăng đột biến tại các bến xe của thủ đô, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội hiện đã sẵn sàng kế hoạch tăng cường khoảng hơn 3.000 xe chạy cho các bến. Cụ thể, tại Bến xe Phía Nam vào các ngày nghỉ Tết dự kiến là 1.100 lượt xe/ngày, tăng 1,3 lần so với ngày thường; Bến xe Mỹ Đình dự kiến 1.200 lượt xe/ngày, tăng gấp 1,2 lần so với ngày thường; Bến xe Gia Lâm dự kiến 700 lượt xe/ngày, tăng 1,3 lần so với ngày thường…

Tuy nhiên, những dự kiến này có nghĩa là vào những ngày cao điểm, lượng khách đổ về các bến xe lớn của Hà Nội sẽ tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Mặc dù các bến xe vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách, nhưng một số tuyến có số lượng khách đi đông như tuyến Hà Nội đi Thanh Hóa, Vinh, Thái Bình, Quảng Ninh… sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào từng thời điểm.

Trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Mão từ 30/1/2011 - 1/2/2011 (tức ngày 27-29 tháng Chạp), lượng khách dồn về các bến sẽ gia tăng, do nhiều người dân bắt đầu về quê ăn Tết, đây sẽ là thời gian cao điểm trong đợt phục vụ Tết, dự kiến lượng khách sẽ tăng từ 3-4 lần so với ngày thường, nên tình trạng các bến bị ùn tắc cục bộ vào những ngày này là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, kết thúc đợt nghỉ Tết từ ngày 8/2/2011 trở đi, lượng khách đổ về thủ đô từ các bến xe sẽ lại gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ trên hầu hết các tuyến phố vào nội đô.

Nhu cầu đi lại của nhân dân vào dịp Tết tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Ảnh: Lê Phú


Theo nhận định của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), trong bối cảnh đường sá chật hẹp như hiện nay, các bến xe chủ yếu lại nằm trong khu dân cư đông đúc, thì việc giải tỏa giao thông trong những ngày nghỉ lễ, Tết tại các cửa ngõ vào thủ đô như: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Ngô Gia Tự - Nguyễn Văn Cừ, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Láng - Hòa Lạc... gặp quá nhiều khó khăn, như chuyện "đến hẹn lại lên". Những ngày này, do nhu cầu đi lại của người dân tăng quá cao, nên vấn nạn xe dù, bến cóc sẽ gây khá nhiều bức xúc cho hành khách. Bên cạnh đó, không ít người dân có tâm lý bắt xe ngoài bến, góp phần không nhỏ làm giao thông trở nên phức tạp hơn.

Chủ động các phương án

Đến thời điểm này, các bến xe, nhà ga đã thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại. Theo Sở GTVT Hà Nội, các bến xe hiện đã chủ động tăng đầu xe, tăng chuyến, tăng lượt nhưng sẽ không tăng giá vé để thực hiện chủ trương bình ổn giá trước Tết của Chính phủ. Sở đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chủ trương này, nếu doanh nghiệp nào bị phát hiện tự tăng giá vé sẽ xử lý nghiêm.



Để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch 2011, Tết Nguyên đán Tân Mão, dịp lễ hội Xuân 2011, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có công văn yêu cầu các sở GTVT các tỉnh, các khu quản lý đường bộ từ ngày 18/1-17/2/2011, không cấp phép thi công các công trình trên đường đang khai thác trong dịp Tết; đồng thời kiểm tra các tuyến đường quốc lộ có lưu lượng phương tiện qua lại lớn, rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ, biển báo hiệu, vạch sơn trên mặt đường…

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 7 đôi tàu khách Thống Nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ Tết. Theo đó, ngoài việc tổ chức chạy thường xuyên 5 đôi tàu Thống Nhất là SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và TN1/2, Tổng Công ty sẽ tổ chức chạy thêm các tàu tăng cường mang số hiệu từ TN3 - TN12 và các đôi tàu SE9/10, TN19/20 giữa Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại.

Ngoài ra, trong thời gian trước Tết, trên tuyến Vinh - Sài Gòn, Tổng Công ty tổ chức chạy thêm đôi tàu SE15/16 và lập thêm một đôi tàu SE11/12 trên tuyến Hà Nội - Nha Trang. Sau Tết, ngành tổ chức chạy hàng ngày một đôi tàu khách tuyến Đồng Hới -Sài Gòn và một đôi chạy giữa Vinh - Sài Gòn.

Trong những ngày nghỉ Tết, Tổng Công ty chỉ tổ chức chạy thường xuyên bốn đôi tàu Thống Nhất là SE1/2, SE7/8, SE5/6 và TN17/TN8. Trong thời gian chạy tàu tăng cường, ngành sẽ tạm ngừng chạy các đôi tàu khách Hà Nội-Vinh, Hà Nội-Huế, Vinh-Quy Nhơn (NA1/2, HN1/2, VQ1/2), do đó, hành khách đi từ Hà Nội đến Vinh, Huế hoặc từ Vinh đến Quy Nhơn và ngược lại sẽ được bố trí đi bằng các tàu khách Thống Nhất.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đã có phương án vận chuyển hành khách trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán từ ngày 19/1- 20/2/2011 để tránh quá tải. Theo đó, trên đường bay Hà Nội-Sài Gòn-Hà Nội, Vietnam Airlines dự kiến triển khai tăng tải với số ghế bình quân khoảng 7.000 ghế/ngày/chiều, tăng 18% so với cùng kỳ cao điểm Tết Canh Dần, tăng 57% so với ngày thường.

Trên đường bay Sài Gòn - Đà Nẵng-Sài Gòn, Vietnam Airlines dự kiến tăng tải với số ghế bình quân 3.200 ghế/ngày/chiều, tăng 28% so với cùng kỳ cao điểm Tết Canh Dần, tăng 44% so với ngày thường. Các đường bay địa phương khác, căn cứ nhu cầu thị trường, Vietnam Airlines đang tiếp tục lập kế hoạch tăng tần suất trên các đường bay đi và đến các địa phương như Quy Nhơn, Huế, Vinh, Hải Phòng, Phú Quốc... nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng vừa ký Công điện số 89/CĐ-BGTVT yêu cầu các cục chuyên ngành thuộc Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các sở GTVT và các tổng công ty vận tải thành lập bộ phận chuyên trách, thực hiện công tác chỉ đạo, phối hợp điều hành giữa các lực lượng vận tải, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, bến tàu, nhà ga, bến xe, quản lý người điều khiển phương tiện, kiểm tra...

Nhằm giải quyết hoặc tham mưu để xử lý các tình huống phát sinh kịp thời; đảm bảo các đầu mối giao thông nhằm giải tỏa hành khách, hạn chế tối thiểu ùn tắc giao thông; quán triệt các đơn vị vận tải, các bến tàu, nhà ga thực hiện nghiêm các quy định về vận chuyển hành khách và hàng hóa, kiên quyết không để phương tiện chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật hoạt động. Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo liên ngành Giao thông Vận tải - Công an thành phố phối hợp phân luồng giao thông từ xa để hạn chế ùn tắc trong nội đô; cấm xe tải hoạt động từ vành đai 2 vào trung tâm thành phố.

Cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại
Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết:
Lượng khách đi lại bằng đường bộ trong dịp Tết Tân Mão sẽ tăng khoảng 20-25% so với năm Canh Dần. Riêng đối với kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2011 sẽ kéo dài 3 ngày, đây là kỳ nghỉ đối với học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, nên thời gian này sẽ có nhiều người tranh thủ để về quê thăm gia đình, đi du lịch… Do đó, lượng khách qua các bến xe sẽ tăng đột biến từ chiều thứ 6 (ngày 31/12/2010) và sáng thứ 7 (ngày 1/1/2011), chủ yếu tăng tập trung ở các tuyến đường ngắn. Với số đầu xe hiện có đang hoạt động, các bến xe cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.

Kiên quyết xử lý vi phạm
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra GTVT (Sở GTVT Hà Nội) cho biết:
Hà Nội đang trong quá trình thử nghiệm và tổ chức lại giao thông, cộng với mật độ phương tiện ngày càng gia tăng, nên tình trạng "xe dù", "bến cóc", xe khách hoạt động sai luồng gây ảnh hưởng rất nhiều tới công tác tổ chức giao thông, trật tự an toàn giao thông. Chắc chắn, trong những ngày nghỉ Tết, tình trạng "xe dù", "bến cóc" và xe chạy sai luồng tuyến sẽ có những diễn biến phức tạp. Để ngăn ngừa tình trạng trên, ngoài xử phạt lỗi chạy sai luồng tuyến, thanh tra giao thông sẽ xử lý bổ sung thêm các lỗi thu tiền không trao vé, không đánh số ghế, không có nhân viên xé vé... Đối với những trường hợp vi phạm nhiều lỗi của xe hợp đồng, thanh tra giao thông sẽ tạm giữ phương tiện để điều tra xác minh và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, trong đó tập trung xử lý nghiêm các lỗi vi phạm của xe khách ngay từ bến và trên các tuyến đường của thủ đô.

Hành khách nên chủ động sắp xếp thời gian
Ông Lê Hoàng Dũng, người phát ngôn của Vietnam Airlines cho biết: Để tránh tình trạng quá tải tại các sân bay, hành khách cần chủ động sắp xếp kế hoạch đi lại sớm và phù hợp, trong đó cân nhắc tới các ngày cao điểm trong dịp Tết và lưu ý có mặt tại sân bay sớm khoảng 3 tiếng trước giờ khởi hành để đảm bảo việc làm thủ tục lên máy bay được thuận lợi. Đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã sẵn sàng các phương án dự phòng, tối ưu hóa công tác bảo dưỡng và lịch xếp máy bay, tăng cường lực lượng trực điều hành 24/24 giờ, đặc biệt là đội ngũ khai thác, kỹ thuật để phục vụ các chuyến bay.



Nguyễn Tiến