10:09 19/10/2017

Giao thêm chỉ tiêu, hải quan 'gồng mình' thu ngân sách

Mặc dù số thu ngân sách của ngành Hải quan 3 quý năm nay tăng gần 11%, nhưng tốc độ tăng thu có dấu hiệu chậm. Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách đạt 295.000 tỷ đồng, từ nay tới cuối năm, ngành Hải quan sẽ phải “gồng mình” phấn đấu. Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) trao đổi với phóng viên Báo Tin Tức.

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, 9 tháng đầu năm nay, tình hình thu ngân sách của ngành Hải quan diễn biến ra sao, thưa ông?

Trong 9 tháng qua, toàn ngành đã bám sát chủ trương chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là của Bộ Tài chính để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là mảng thu ngân sách, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; áp dụng quản lý rủi ro trong công tác giám sát hải quan.

Giao dịch tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Đối với công tác thu ngân sách, tính đến hết quý III/2017, ngành Hải quan đã thu ngân sách đạt 213.645 tỷ đồng, đạt 75% dự toán, tăng hơn 10,92% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 73,6% so với chỉ tiêu phấn đấu tại Chỉ thị 14/CT-Tg của Thủ tướng Chính phủ; bằng 72,4% chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao (295.000 tỷ đồng). Số thu 3 quý đầu của năm 2017 tăng hơn 10,92%

Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng qua có thuế đạt 69,45 tỷ USD, tăng 13,45%, trong đó, kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng có số thu lớn tăng mạnh. Đặc biệt là thiết bị máy móc, dụng cụ và phụ tùng tăng thu 3.700 tỷ đồng; chất dẻo nguyên liệu tăng thu 1.900 tỷ đồng; sắt thép các loại tăng thu 1.250 tỷ đồng; xăng dầu các loại tăng thu hơn 3.550 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Hải quan đã phân bổ chỉ tiêu cho 35 Cục Hải quan tỉnh thành phố, triển khai tích cực, quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp; trong đó tập trung vào nhóm giải pháp chính là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường thanh, kiểm tra, chống thất thu, kiểm tra sau thông quan; chống gian lận thuế qua áp mã giá hàng hóa; coi trọng công tác thu hồi nợ đọng, kiểm tra sau thông quan.

Tổng cục Hải quan cũng đã giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế trong toàn ngành đối với các khoản nợ có khả năng thu (1.307 tỷ đồng); ban hành 3 danh mục rủi ro về trị giá, với 70 nhóm hàng và trên 7.500 mức giá; 2 danh mục rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế đối với hơn 500 mặt hàng, cảnh báo dấu hiệu nghi vấn về mã số khai báo, mức thuế, nhằm chống thất thu ngân sách.

Trong 9 tháng, ngành Hải quan đã tiến hành 6.272 cuộc kiểm tra sau thông quan, thực thu vào ngân sách 1.353 tỷ đồng, đạt 64% chỉ tiêu năm 2017; tăng thu 1.000 tỷ đồng từ tham vấn giá. Công tác thu hồi và xử lý nợ thuế góp phần tăng thu hơn 544 tỷ đồng; tăng thu hơn 218 tỷ đồng từ chống buôn lậu...

Số thu tổng thể của cả nước mới đạt hơn 69%, trong đó thu nội địa thấp, thu ngân sách Trung ương mới đạt 63%, nên nhiệm vụ thu ngân sách những tháng cuối năm dự báo hết sức khó khăn. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tính chung 3 quý của năm nay, số thu ngân sách tăng gần 11%, nhưng tốc độ tăng thu có dấu hiệu chậm dần. Cụ thể, nếu như quý I/2017 số thu tăng 23,3% thì sang quý II chỉ tăng khoảng 13,6% và sang đến quý III chỉ còn tăng 9,3% so với năm ngoái.

Đặc biệt trong tháng 9/2017, số thu của ngành chỉ đạt 21.673 tỷ đồng, thấp hơn tháng 8/2017 là 3.500 tỷ đồng. Nguyên nhân do lượng ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu giảm 2.774 chiếc, làm giảm thu khoảng 1.050 tỷ đồng; sắt thép các loại giảm thu 120 tỷ đồng. Đây là xu hướng ngược so với quy luật những năm trước đây. Điều này minh chứng cho thấy, càng về những tháng cuối năm 2017, tình hình thu của ngành Hải quan càng trở nên khó khăn.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn cao so với cùng kỳ, nhưng mức độ tăng thu giảm dần là do thực hiện các cam kết quốc tế và những tác động của FTAs (Hiệp định tự do thương mại) đã dẫn đến có sự chuyển luồng nhập khẩu của hàng hóa từ nước trong khu vực không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, sang nước, khu vực được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới số thu ngân sách. Dự kiến, 3 tháng còn lại của năm 2017, giảm thu khoảng 4.500 tỷ đồng từ ô tô nhập khẩu do tâm lý chờ năm 2018 giảm thuế theo cam kết FTAs.

Theo ông, để hoàn thành thu ngân sách chặng "nước rút" cuối năm, ngành Hải quan sẽ tập trung vào những nhóm công việc gì?

Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp thu ngân sách như:

Thứ nhất, triển khai hiệu quả các đề án trọng tâm của ngành theo phương thức quản lý mới như đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không; quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; đề án thu thuế và thông quan 24/7.

Thứ hai, tăng cường kiểm tra trong thông quan và sau thông quan, thanh tra chuyên ngành tập trung vào các mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao, hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp từ các thị trường có nghi vấn, hàng khai thấp hơn cơ sở dữ liệu giá, hàng khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt...

Thứ ba, tập trung xử lý, thu hồi các khoản nợ thuế có khả năng thu đã được giao. Đối với các khoản nợ thuế phát sinh trong năm 2017 các đơn vị phải thành lập tổ đôn đốc thu đòi nợ thuế, xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp thu hồi kịp thời trong năm 2017. Chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế được coi là một trong những chỉ tiêu để xem xét đánh giá thi đua cuối năm 2017.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, ngành Hải quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Tổng cục Hải quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi sai phạm, thiếu trách nhiệm để thất thu ngân sách, các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp của cán bộ công chức trong thực thi công vụ.


Minh Phương/Báo Tin tức