02:19 05/02/2016

Giáo sư Hirohide nhận định triển vọng hợp tác Nhật-Việt trong vấn đề Biển Đông

Giáo sư Kurihara Hirohide, chuyên gia về quan hệ Việt – Trung tại Viện nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Á – Phi, Đại học Ngoại ngữ Tokyo trả lời phỏng vấn về vấn đề Biển Đông.

Giáo sư Kurihara Hirohide trả lời phỏng vấn.

Phóng viên: Xin cảm ơn Giáo sư đã nhận lời phỏng vấn của Truyền hình Thông tấn. Thưa Giáo sư, Biển Đông là một trong những vấn đề nóng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện nay. Với tư cách là một chuyên gia hàng đầu về quan hệ Việt – Trung, xin Giáo sư cho biết đánh giá của mình về những hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông?

Giáo sư Hirohide: Theo tôi các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông làm nảy sinh các vấn đề sau. Trước hết, Trung Quốc là Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Với vai trò này, Trung Quốc có trách nhiệm duy trì “hoà bình và an ninh quốc tế” theo Điều 24 của Hiến chương Liên hợp quốc. Tuy nhiên, những hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông không những gây khó khăn cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông mà còn làm cho tình hình khu vực ngày càng phức tạp và căng thẳng.

Vấn đề thứ hai liên quan đến luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển thì hòn đảo nhân tạo không được sử dụng làm cơ sở để xác định lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia. Nếu Trung Quốc không đồng tình với điều khoản hiện hành nào của Công ước về luật biển và luật quốc tế, Trung Quốc trước hết phải đưa ra chủ trương của mình trước dư luận quốc tế để thuyết phục sự ủng hộ của các nước. Các hành động gần đây của Trung Quốc nhằm tạo ra một “sự đã rồi” để ép buộc các nước khác là điều hoàn toàn không hợp lý.

Điều thứ ba, Biển Đông là một trong những lộ trình hàng hải quan trọng trên thế giới. Đối với Nhật Bản, Biển Đông chính là lộ trình hàng hải duy nhất kết nối Nhật Bản với thế giới. Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ phương hại đến hoạt động tự do hàng hải khu vực. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế của Nhật Bản cũng như của Việt Nam.

Vấn đề thứ tư cũng là vấn đề cuối cùng mà tôi muốn nêu ra là tác hại đối với môi trường. Biển Đông là nơi có môi trường thiên nhiên quý hiếm. Trung Quốc đã đổ lượng lớn bê tông và sử dụng khối lượng cát khổng lồ để xây dựng đảo nhân tạo. Việc làm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên ở Biển Đông. 

Phóng viên: Giáo sư đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác Nhật Bản – Việt Nam trong vấn đề Biển Đông?

Giáo sư Hirohide: Tôi cho rằng Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm chung trong vấn đề Biển Đông. Vấn đề thứ nhất như tôi đã nói ở trên, đó là tuyến hàng hải quan trọng. Đó là đường giao thông chính nối Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông và châu Phi… Vì vậy việc giữ gìn hoà bình và ổn định ở Biển Đông là vấn đề quan trọng mang tính sống còn đối với Nhật Bản. Còn về mặt khác, như các bạn đã biết, mỗi tháng, tàu của Trung Quốc thường đi vào vào khu vực gần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) từ hai đến ba lần. Theo tôi, hai nước Nhật Bản và Việt Nam đều đang đứng trước mối quan ngại chung. Tôi cho rằng chính phủ hai nước nên tăng cường hợp tác nhiều mặt để bảo vệ môi trường hòa bình bởi vì đó là điều kiện cơ bản để đất nước chúng ta tiếp tục phát triển bển vững. Đặc biệt, vai trò cảnh sát biển ngày càng trở nên quan trọng, thường xuyên bảo vệ lãnh hải và cuộc sống hàng ngày của nhân dân mỗi nước. Vì thế, tôi rất mong muốn cảnh sát biển hai nước tăng cường hợp tác như trao đổi thông tin và kinh nghiệm để đối phó với hành động của Trung Quốc một cách hiệu quả.

Phóng viên: Giáo sư nhận định thế nào về tình hình Biển Đông trong thời gian tới?

Giáo sư Hirohide: Đáng tiếc là tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không lắng nghe ý kiến của các nước khác cũng như không ngừng hoạt động củng cố đảo nhân tạo và xây dựng sân bay, thậm chí sẽ gia tăng hoạt động này tức là tiến hành “quân sự hoá” Biển Đông. Hành động của Trung Quốc có thể sẽ gây ra các hậu quả như cản trở, gây mất an toàn hoạt động tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên khu vực này.

Tôi cho rằng trên thế giới hầu như không có quốc gia nào ủng hộ các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Vì vậy, theo tôi, những quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, coi trọng hoà bình và an toàn ở Biển Đông, coi trọng tự do hàng không và hàng hải tại khu vực này cần phối hợp, để cùng bày tỏ sự phản đối hành động sai trái của Trung Quốc trên trường quốc tế. Đây có thể sẽ là một tiến trình khó khăn và lâu dài song cả Nhật Bản và Việt Nam, là những quốc gia yêu chuộng hòa bình, sẽ hợp tác đấu tranh, chống lại hành động sử dụng vũ lực ở Biển Đông.

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)