07:11 15/07/2021

Giao quyền sử dụng khu vực biển - Bài1: Nhu cầu lớn, tiềm năng cao

Kể từ ngày 30/3/2021, Nghị định 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển chính thức có hiệu lực thi hành.

Chú thích ảnh
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) có quy mô công suất gần 100 MW, gồm 62 trụ turbine đã hoạt động phát lên lưới điện Quốc gia với tổng sản lượng điện lũy kế đến nay đạt hơn 1 tỷ kWh. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Nghị định 11/2021/NĐ-CP được ban hànhvcó ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian tới. Nghị định này được kỳ vọng sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của các văn bản pháp luật trước đó về nội dung giao khu vực biển. 

Có thể nói, Nghị định là một trong những văn bản quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo theo tinh thần của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết “Giao quyền sử dụng khu vực biển” để làm rõ hơn những nội dung của Nghị định này.

Bài 1: Nhu cầu lớn, tiềm năng cao

Ngày 21/5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Sau một thời gian thực hiện, Nghị định này đã bộc lộc một số khó khăn, hạn chế gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Chính vì vậy, nhu cầu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 51 là thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Xây dựng Nghị định để khắc phục những bất cập

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Căn cứ Luật biển Việt Nam, ngày 21/5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Qua hơn 5 năm thực hiện, Nghị định này đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng khu vực biển.

Tuy nhiên, Nghị định số 51 bộc lộ một số tồn tại, bất cập, hạn chế như: phạm vi điều chỉnh chưa quy định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, chưa quy định các trường hợp không phải giao khu vực biển. Phương pháp xác định đường ranh giới ngoài vùng biển 3 hải lý chưa phù hợp. Thời hạn giao khu vực biển chưa đồng bộ với pháp luật đầu tư; chưa có quy định cụ thể về công nhận khu vực biển; chưa quy định các trường hợp miễn tiền sử dụng khu vực biển…

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển, thay thế Nghị định số 51. Nghị định số 11 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2021.

Nghị định 11/2021/NĐ-CP đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của Nghị định số 51; bổ sung quy định việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với phân cấp cho chính quyền địa phương; phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 51, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã thập, nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan tới lĩnh vực biển, hải đảo; tổ chức họp và tiếp thu các ý kiến của Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập để hoàn thiện dự thảo nghị định; tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và 28 địa phương có biển về nội dung dự thảo Nghị định; đồng thời đăng tải công khai dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kể từ khi chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 30/3/2021, Nghị định 11/2021/NĐ-CP đã giúp các địa phương thông thoáng hơn trong thu hút đầu tư với các dự án trên biển, giao quyền sử dụng cho ngư dân ven biển nuôi trồng, khai thác hải sản. Nghị định đã kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trực tiếp trong công tác quản lý nhà nước cũng như phát triển kinh tế biển của các địa phương ven biển, trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực tế giao khu vực biển tại các địa phương

Để đưa Nghị định 11/2021/NĐ-CP đi vào cuộc sống, tỉnh Cà Mau tích cực triển khai sâu rộng các cán bộ, công chức, viên chức sở, ngành, đơn vị có liên quan, các huyện ven biển nắm rõ nội dung Nghị định.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 714/QĐ-UBND, ngày 13/4/2021 về Công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành sửa đổi, bổ sung, thay thế và phê duyệt Quy trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong lĩnh vực biển và hải đảo thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tiếp theo đó, ngày 30/6/2021, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND tỉnh quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển đối với từng hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Kể từ khi Nghị định 11/2021/NĐ-CP được ban hành, UBND tỉnh Cà Mau đã thu hút được hai dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện gió ở khu vực biển. Đơn cử, Dự án Nhà máy điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 2021-2025 (phân kỳ 1) có quy mô 11 trụ tua bin, công suất 45MW, diện tích sử dụng tài nguyên biển là 203,97ha. Tổng vốn là 2.298 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Sông Lam làm chủ đầu tư.

Dự án Nhà máy điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 2021-2025 (phân kỳ 2) có quy mô xây dựng 7 trụ tua bin, công suất 30MW, diện tích sử dụng tài nguyên biển là 138,029 ha. Tổng vốn là hơn 1.645 tỷ do Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Sông Lam làm chủ đầu tư.

Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết: Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định thẩm quyền giao khu vực biển của tỉnh từ mép nước triều thấp trung bình trong nhiều năm ra đến 6 hải lý. Trước đây, Nghị định số 51/2014/NĐ quy định thẩm quyền của tỉnh chỉ giao tối đa chỉ đến 3 hải lý. Tuy nhiên, hiện nay, đường 6 hải lý Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa công bố nên việc xác định phạm vi thẩm quyền giao đang gặp khó khăn.

Hiện tại, tỉnh Cà Mau có nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng khu vực biển để khai thác điện gió. Với việc Nghị định 11/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2021, nhiều địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giao khu vực biển từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến 3 hải lý cho ngư dân nuôi trồng thủy sản…  Điều này dẫn đến việc đi kiểm tra về môi trường, quá trình thi công, xác định vị trí giao khu vực biển, xử lý tranh chấp trên biển diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa được cấp tàu, trang thiết bị và thiếu biên chế để thực hiện các nhiệm vụ này.

Từ tháng 9/2016 đến khi Nghị định 11/2021/NĐ-CP được ban hành, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức giao khu vực biển cho 5 nhà đầu tư để khai thác năng lượng điện gió trên địa bàn tỉnh theo Nghi định số 51/2014/NĐ-CP. Tổng diện tích biển của tỉnh giao cho nhà đầu tư là hơn 5.620 ha. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao hai dự án, gồm Dự án Nhà máy Điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 và Nhà máy Điện gió Viên An có diện tích hơn 2.218 ha, tổng công suất 150MW. UBND tỉnh Cà Mau đã giao 6 dự án điện gió với diện tích biển hơn 3.402 ha, tổng công suất là 364MW.

Để tạo thuận lợi trong việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển theo đúng quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau đã tổ chức họp Hội đồng Thẩm định và gửi văn bản xin ý kiến các sở, ngành, đơn vị có liên quan; đồng thời tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để xin ý chỉ đạo từ các Bộ, ngành có thẩm quyền.

Tỉnh Bạc Liêu rất giàu tiềm năng và lợi thế trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo dựa trên 3 lợi thế chủ yếu: có bờ biển dài hơn 56 km, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, bình quân gần 7 m/s; thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.900 giờ/năm; địa hình tương đối bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần...

Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và tạo những đột phá riêng, Bạc Liêu đã chủ động đề xuất Chính phủ rút Cụm Nhà máy nhiệt điện than Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia (Tổng sơ đồ điện VII). Đây được coi là tiền đề quan trọng và tạo nên những sức hút mới cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Địa bàn tỉnh có Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, với quy mô công suất 99,2 MW, gồm 62 trụ turbine, công suất mỗi trụ 1,6 MW, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, đã phát điện lên lưới quốc gia hơn 1 tỷ kWh. Đây là dự án điện gió trên biển duy nhất của Việt Nam hiện nay.

Đồng thời, tỉnh còn triển khai khởi công, thi công nhiều dự án điện gió gồm: Nhà máy Điện gió Đông Hải 1, Đông Hải 2, Hòa Bình 1, Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3, khởi công xây dựng Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1.

Ngoài ra, Bạc Liêu còn thu hút thêm 19 dự án điện gió khác, tổng công suất hơn 4.000 MW, hiện đang chờ bổ sung vào quy hoạch. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, phấn đấu vận hành tổ máy đầu tiên 750 MW vào năm 2024 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2027.

Ông Phạm Minh Hải, Trưởng Phòng Tài nguyên Nước, Biến đổi khí hậu và Biển (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường luôn nhận được sự quan tâm hướng dẫn tương đối kịp thời về công tác chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị trực thuộc bộ. Do đó, ngay khi Nghị định 11/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành công văn triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, đến doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh, tạo được sự thống nhất cao trong việc triển khai thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh quyết định giao khu vực biển cho nhà đầu tư để thực hiện dự án điện gió với diện tích được thể hiện trong đơn đề nghị giao khu vực biển, dự án đầu tư và hành lang an toàn của công trình phù hợp với quy định.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Hải, mặc dù đã được tập huấn, chuyển giao phần mềm (công cụ hỗ trợ giao khu vực biển) nhưng phần mềm này chưa được tích hợp thông suốt đã phần nào làm ảnh hưởng đến công tác giao khu vực biển. Cùng với đó, diện tích sử dụng khu vực biển có thời hạn của các dự án điện gió trên biển chưa có quy định cụ thể, thống nhất để địa phương làm cơ sở và căn cứ thực hiện.

Thời gian tới, Bạc Liêu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi tường hoặc Bộ Công Thương sớm ban hành quy định cụ thể về diện tích sử dụng khu vực biển có thời hạn của các công trình điện gió trên biển để làm cơ sở, căn cứ giao; đề nghị Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam quan tâm hơn công tác tập huấn, chuyển giao phần mềm (công cụ hổ trợ giao khu vực biển) cho địa phương có biển thực hiện.

Bài 2: Triển khai Nghị định 11/2021/NĐ-CP tại thành phố cảng Hải Phòng

Kim Há - Nhật Bình – Chanh Đa (TTXVN)