Đa dạng hóa nguồn lực cho giáo dục mầm non

Thời gian qua, dư luận phản ánh thực trạng một số địa phương khi thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi chỉ ưu tiên đầu tư trường lớp cho trẻ 5 tuổi mà “tạm bỏ quên” những lứa tuổi khác dưới 5 tuổi. Tình trạng trống trường, trống lớp mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp đang gây lo ngại và thu hút sự quan tâm của xã hội. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa (ảnh).

Thưa Thứ trưởng, có một thực trạng đáng báo động là tại các khu công nghiệp, nhà máy hiện nay tập trung đông công nhân trong độ tuổi sinh đẻ nhưng hầu như không có đủ trường mầm non. Vì vậy, đa số công nhân vẫn phải gửi con ở những nhóm trẻ gia đình đã gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc cho trẻ, nhất là trẻ dưới 4 tuổi. Theo Thứ trưởng, có nên có quy định bắt buộc các khu công nghiệp khi xây dựng và đi vào hoạt động phải có đủ nhà trẻ không?

Tôi rất đau lòng trước sự việc một số cháu không may bị người lớn làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần trong thời gian vừa qua, xin chia sẻ khó khăn cùng chị em công nhân có con nhỏ làm việc tại một số khu công nghiệp, nhà máy, chưa có đủ trường, lớp mầm non để gửi các cháu. Thực tế, các qui định về loại hình trường, điều kiện thành lập và tổ chức hoạt động của trường,... đã được nêu tại Luật Giáo dục khá đầy đủ. Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa các nội dung này trong Điều lệ trường mầm non, Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, Chương trình giáo dục mầm non, Chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non,… Đó là cơ sở pháp lí để các địa phương làm tốt công tác qui hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên… đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân trên địa bàn, trong đó có các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương khi phê duyệt quy hoạch xây dựng các khu dân cư, doanh nghiệp, khu công nghiệp… vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các Sở GD-ĐT tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương qui hoạch, xây dựng mạng lưới trường lớp mầm non, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giáo dục. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, đặc biệt, các trường, lớp mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình… theo đúng các qui định hiện hành, đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục và an toàn cho trẻ.

Thưa Thứ trưởng, sau khi Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số địa phương khi thực hiện Đề án đã chọn giải pháp ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi vào trường mầm non công lập, trường nào còn chỉ tiêu mới tuyển sinh trẻ 4 tuổi trở xuống. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về thực tế này?

Việc chọn giải pháp ưu tiên tối đa nhận trẻ 5 tuổi vào trường mầm non công lập, nếu còn chỉ tiêu mới tuyển sinh trẻ dưới 5 tuổi là không đúng với tinh thần của Quyết định số 239/QĐ-TTg và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Giờ học vẽ của các cháu lớp 6 tuổi do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư xây dựng. Ảnh: Kim Phương-TTXVN


Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý để trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện, các địa phương không nên nôn nóng, đốt cháy giai đoạn.

Hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp của cả nước đã đạt khá cao (trên 98%). Điều quan trọng phải nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Huy động hầu hết trẻ 5 tuổi đến trường, lớp mầm non để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày.

Để không xảy ra tình trạng “mất cân bằng” trong giáo dục mầm non, sắp tới, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra việc triển khai Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi tại một số địa phương để có biện pháp chỉ đạo, rút kinh nghiệm về cách tiến hành phổ cập trên cả nước.

Nhiều ý kiến cho rằng PCDGMN khó hơn phổ cập các bậc học khác. Vậy để hoàn thành mục tiêu đặt ra trong Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, thời gian tới, giáo dục mầm non sẽ được quan tâm như thế nào?

Giáo dục mầm non là một cấp học mang tính xã hội hóa cao, vì vậy ngoài sự quan tâm đầu tư của nhà nước rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, nhằm đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển giáo dục mầm non nói chung và PCGDMN cho trẻ 5 tuổi nói riêng.

Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục mầm non đã tăng từ 7,3% (năm 2004) lên 8,5% (2008) và gần 10% (năm 2010). Thời gian tới, cùng với việc triển khai đầy đủ các nội dung của Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, ngành giáo dục sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt là chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, trẻ mầm non và các cơ sở giáo dục mầm non. Tăng đầu tư ngân sách cho giáo dục mầm non, ban hành cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục mầm non.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mong rằng giáo dục mầm non sẽ ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi nói riêng và trẻ mầm non nói chung tương xứng với vị trí là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

N.Anh - TTXVN
(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN