09:19 16/09/2014

Giáo dục và thi cử ở nước ngoài: Trung Quốc áp dụng một kỳ thi

Tại Trung Quốc, kỳ thi chiêu sinh các trường Đại học - Cao đẳng thống nhất toàn quốc là kỳ thi đầu vào quan trọng nhất, nhằm phân loại sinh viên vào các trường ĐH-CĐ phù hợp với khả năng và tố chất dựa theo kết quả thi.

Tại Trung Quốc, kỳ thi chiêu sinh các trường Đại học - Cao đẳng (ĐH-CĐ) thống nhất toàn quốc (trừ Hong Kong, Macau, Đài Loan) là kỳ thi đầu vào quan trọng nhất, nhằm phân loại sinh viên vào các trường ĐH-CĐ phù hợp với khả năng và tố chất dựa theo kết quả thi.

Bộ Giáo dục thống nhất tổ chức và điều chỉnh, đề thi do Bộ Giáo dục ra hoặc các Viện ra đề thi cấp tỉnh (tỉnh Hải Nam được chỉ định là Cục ra đề thi). Ngày mùng 7 và mùng 8/6 hàng năm tiến hành thi, một số tỉnh có thể tiến hành trong 3 ngày.

Kỳ thi thống nhất toàn quốc được Trung Quốc thực hiện từ năm 1952.


Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ là ba môn bắt buộc của kỳ thi này, ngoài ra thí sinh chọn khối khoa học tự nhiên sẽ thi thêm 3 môn Lý, Hóa, Sinh, chọn khối khoa học xã hội sẽ thi thêm 3 môn Chính trị, Lịch sử và Địa lý.

Điểm tối đa cho 6 môn là 750, được chia lần lượt như sau: Ngữ văn 150 điểm, Toán 150 điểm, Ngoại ngữ 150 điểm, ba môn còn lại thuộc khối KHTN hay khối KHXH là 300 điểm.

Kỳ thi thống nhất toàn quốc này được Trung Quốc thực hiện từ năm 1952, đến năm 1965 xóa bỏ (thời kỳ cách mạng văn hóa) và năm 1977 được khôi phục lại. Ngay từ đầu, kỳ thi đã có ý nghĩa vô cùng tích cực.

Một là, kỳ thi thống nhất đã giảm giá thành lớn cho việc các thí sinh phải đi hành trình dài đến các thành phố lớn để tham gia kỳ thi; hai là, kỳ thi này đã thể hiện sự công bằng hơn; thứ ba, kỳ thi này đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết tuyển chọn nhân tài của đất nước.

Tháng 7/2010, Bộ Chính trị Trung Quốc thông qua “Cương yếu Quy hoạch cải cách và phát triển giáo dục trung hạn và dài hạn Quốc gia (2010-2020)”. Văn kiện này đã đề ra chế độ thi cử chiêu sinh với những mục tiêu như từng bước hình thành kỳ thi phân loại, đánh giá tổng hợp và tuyển chọn sinh viên với nhiều hình thức khác nhau.

Cuối năm 2013, Bộ Giáo dục nước này cho hay đã hoàn thành xây dựng một phần chi tiết trong phương án cải cách thi cử chiêu sinh tổng thể.

Trong cải cách về kỳ thi ĐH-CĐ thống nhất toàn quốc, sẽ thăm dò việc không thi Ngoại ngữ cùng với thời gian thi ĐH-CĐ, thực hiện cải cách một năm có nhiều kỳ thi xã hội hóa, học sinh sẽ được tự chọn thời gian thi và số lần thi.

Tại Hội nghị công tác giáo dục toàn quốc năm 2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Viên Quý Nhân cho rằng cải cách chế độ thi cử chiêu sinh là nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất.

Trong năm nay, Bộ này sẽ ban hành “Phương án tổng thể” và 5 bản Hướng dẫn thực hiện đồng bộ về kỳ thi ĐH-CĐ thống nhất toàn quốc; một năm tổ chức nhiều kỳ thi ngoại ngữ; thi tốt nghiệp cấp 3, đánh giá tố chất chung, xử lý vi phạm trong thi cử chiêu sinh…; triển khai thí điểm cải cách; cải tiến nội dung thi; hoàn thiện ngân hàng đề thi quốc gia…

Hiện nay, tại phần lớn các tỉnh thành mỗi năm chỉ tổ chức một kỳ thi ĐH-CĐ, nhưng có một số ít đơn vị hành chính cấp tỉnh tổ chức thi một năm hai lần, lần thứ hai thường vào mùa xuân.

Theo một số nhà phê bình, đến nay kỳ thi ĐH-CĐ thống nhất toàn quốc tại Trung Quốc đã bộc lộ một số nhược điểm sau: Kỳ thi này chỉ giúp phát triển phương pháp học thuộc lòng đặc hữu của Trung Quốc mà ngăn cản sức sáng tạo của học sinh. Toàn xã hội phải dốc sức phục vụ cho kỳ thi, huy động 12 bộ, ngành gồm bảo vệ môi trường, giao thông, điện lực, phòng cháy chữa cháy… làm tốt các công tác chuẩn bị trước cả tháng diễn ra kỳ thi.

Mặc dù Trung Quốc đề xướng xây dựng nền giáo dục lấy tố chất làm trọng, nhưng khi thực hiện chế độ một kỳ thi ĐH-CĐ thống nhất toàn quốc thì khó mà phát triển giáo dục tố chất được, bởi kỳ thi vẫn coi điểm số là căn cứ duy nhất để chiêu sinh.

Một điểm nữa là kỳ thi này vẫn khó có thể bảo đảm sự công bằng trong giáo dục. Điều tra tại 8 trường đại học ở Bắc Kinh cho thấy, sinh viên nông thôn giảm đều hàng năm, càng học lên sinh viên nông thôn càng hiếm. Nếu giáo dục vẫn chỉ hoàn toàn dựa vào điểm số thì nhóm người yếu thế luôn yếu thế vì họ khó có thể vượt qua học sinh thành thị trong kỳ thi ĐH-CĐ.


Tường Thu