10:01 05/10/2012

Giáo dục và khoa học là hai thành tố chủ lực của giai đoạn phát triển mới

Hai đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo” và “Phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN” là những nội dung quan trọng được xem xét tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Hai đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo” và “Phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN” là những nội dung quan trọng được xem xét tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Để làm rõ những căn cứ khoa học và thực tiễn về sự cần thiết phải tập trung phát triển GD-ĐT và KHCN nhằm thực hiện thành công quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều cao, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.


´Thưa Giáo sư, với tư cách là người đứng đầu cơ quan nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, Giáo sư có thể cho biết những luận cứ khoa học của việc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa khai mạc đã chọn thời điểm này để xem xét hai đề án về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục và phát triển khoa học công nghệ ?


Như chúng ta đã biết Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII ra đời đã 16 năm, trong đó bàn hai nội dung rất quan trọng về GD-ĐT và KHCN. Trong 16 năm qua, chúng ta có thể thấy KHCN và GD-ĐT có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế đất nước. Nhưng điều quan trọng nhất tại thời điểm hiện nay chúng ta có đủ thời gian để nhìn nhận lại Nghị quyết, để tổng kết lại Nghị quyết Trung ương 2, trên cơ sở đó nhìn thấy được thành tựu cũng như các vấn đề của KHCN và GD-ĐT, để đưa ra những nội dung, yêu cầu, định hướng, giải pháp mới nhằm phát triển KHCN và GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay.


Thực hiện nhiệm vụ và Nghị quyết tại Đại hội Đảng XI thông qua, đất nước ta chuyển sang giai đoạn phát triển mới, từ tăng trưởng theo chiều rộng sang kết hợp tăng trưởng chiều rộng và chiều sâu. Vì vậy chúng ta phải có một nền kinh tế chất lượng hiệu quả có khả năng cạnh tranh. Do đó, hai thành tố chủ lực, quan trọng của giai đoạn phát triển mới chính là KHCN và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, từ yêu cầu của công cuộc phát triển, từ việc cụ thể hóa triển khai Nghị quyết Đại hội XI thời điểm hiện nay là hết sức thích hợp để Hội nghị Trung ương 6 bàn về đổi mới toàn diện và cơ bản


GD-ĐT cũng như phát triển KHCN phục vụ CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.


´Đâu là điều ông tâm đắc nhất trong hai đề án trình hội nghị lần này?


Về giáo dục, tôi tâm đắc ở việc chuyển từ phương thức đào tạo trang bị kiến thức, thậm chí gây quá tải sang giáo dục nhằm vào trọng tâm là hình thành và phát triển nhân cách, phẩm chất con người.


Còn trong khoa học trước hết phải khẳng định được vai trò của KHCN trong yêu cầu của công cuộc phát triển đất nước. Đề án đã tìm ra điểm mấu chốt để tháo gỡ khó khăn cho KHCN phát triển chính là cơ chế chính sách để KHCN và GD-ĐT phát huy quyền tự chịu trách nhiệm, có cơ chế đặt hàng đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các cơ quan cấp trên, từ nhu cầu nội tại của doanh nghiệp, của các ngành, các đơn vị... Đề án cũng nêu yêu cầu sắp xếp lại để tránh sự phát triển tràn lan, tùy tiện của các tổ chức KHCN, đánh đồng tổ chức KHCN đảm nhận các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao với các tổ chức KHCN danh nghĩa huy động các nguồn lực nước ngoài, nhưng thực tế lại huy động khai thác ngân sách nhà nước. Việc này không thể chấp nhận được, bởi ngân sách nhà nước chỉ thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao.


Trên cơ sở mở rộng quyền tự chủ thì các tổ chức KHCN cũng phải khai thác các nguồn lực bên ngoài có thể là từ dự án, chương trình, từ đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Giáo dục đào tạo và nghiên cứu KHCN phải chuyển mạnh sang đáp ứng nhu cầu xã hội.


Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Hoàng Hoa - Thanh Hương (thực hiện)