07:22 08/07/2020

Giáo dục tài chính tích hợp trong sách giáo khoa theo chương trình mới

Giáo dục tài chính được tích hợp vào sáu môn học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (giáo dục phổ thông mới -PV), gồm: Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm.

Thế hệ học sinh hiểu về tài chính     

Mục đích của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khi tích hợp nội dung giáo dục tài chính là nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh.     

Chú thích ảnh
GS Đỗ Đức Thái chia sẻ về giáo dục tài chính trong sách giáo khoa môn Toán. Ảnh: MT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Để thực hiện được việc tích hợp giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tập huấn cho các tác giả về tích hợp nội dung này vào sách giáo khoa là cần thiết”.      

Đồng thời, Thứ trưởng  mong muốn tác giả, biên tập viên viết sách giáo khoa sẽ có thêm kinh nghiệm, kiến thức để tích hợp tốt nhất giáo dục tài chính vào sách giáo khoa khi tham gia khoá tập huấn.      

Nhấn mạnh về vai trò giáo dục tài chính, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Giáo dục tài chính có vai trò quan trọng, đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi đất nước đang trên đà hội nhập, phát triển. Giáo dục tài chính sẽ giúp tạo ra một thế hệ học sinh hiểu biết về tài chính, biết vận dụng hiệu quả kiến thức này vào thực tế cuộc sống để giúp ích cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển ổn định bền vững nền kinh tế - xã hội quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển của thế giới.   

 Phó Giám đốc World Bank tại Việt Nam - bà Steffi Stallmeister đánh giá, Việt Nam đã thành công trong việc đưa chính sách tài chính toàn diện vào giáo dục và là một trong 3 quốc gia đi đầu ở Châu Á về tích hợp giáo dục tài chính vào chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Điều này thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Bộ GD&ĐT khi hướng tới sự phát triển toàn diện của đất nước, phát triển các công dân toàn cầu đáp ứng nhu cầu của đất nước và thế giới.     

Bà Steffi Stallmeister cho biết, World Bank sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó có tích hợp giáo dục tài chính vào chương trình, sách giáo khoa và thực hiện giáo dục nội dung này cho người học.  

Rõ nhất là chương trình môn Toán

Là chủ biên chương trình môn Toán của chương trình giáo dục phổ thông mới mới - GS Đỗ Đức Thái cho biết, mạch giáo dục tài chính trong chương trình môn Toán được thực hiện từ lớp 2 đến lớp 12, trong đó tập trung nhiều ở các lớp THCS và THPT. Theo đó, chương trình sẽ cung cấp cho học sinh những hiểu biết và năng lực tài chính cốt lõi. Ví dụ, học sinh sẽ được tìm hiểu về tiền tệ và tài chính, trong đó giới thiệu các khái niệm, phương tiện, công cụ cơ bản trong tài chính và tiền tệ; giá trị sử dụng và giá trị đạo đức của tiền…     

Chương trình môn Toán cũng giúp học sinh tìm hiểu về hệ thống tài chính, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính; Biết đánh giá nguồn tài chính; Xác định rủi ro và lợi nhuận liên quan đến tiết kiệm và đầu tư. Học sinh cũng được giáo dục để biết cách lập kế hoạch và quản lí tài chính cá nhân hiệu quả. 

Dự kiến, Hội đồng thẩm định sách giáo lớp 2, lớp 6 về tích hợp giáo dục tài chính trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng sẽ được tập huấn trong thời gian tới đây. 

Lê Vân/ Báo Tin tức