10:09 11/10/2012

Giáo dục nhân cách cho học sinh thông qua lao động

Việc “bỏ qua” lao động ở các trường học hiện nay là một hình thức gián tiếp làm học sinh lười vận động và sợ lao động. Sự chậm chạp, ít hoạt động cơ bắp không chỉ có ở học sinh khu vực thành phố mà còn xuất hiện nhiều ở học sinh các vùng nông thôn.

Quét sân trường, lớp, nhổ cỏ, tưới cây, lau bàn ghế... là những hoạt động lao động thường xuyên của học sinh khi học tập tại trường. Giáo dục thông qua lao động là việc làm quan trọng trong giáo dục phát triển toàn diện, nhằm hình thành ở các em những phẩm chất của người lao động mới: Yêu lao động, quý trọng người lao động, giúp các em có được các kỹ năng lao động phục vụ cho sinh hoạt và chuẩn bị cho học sinh các kỹ năng lao động cần thiết trong tương lai.


Qua những buổi sinh hoạt lao động ấy, giúp các em dần làm quen và có ý thức làm việc vì tập thể, rèn tính kiên trì, tính độc lập, tình đoàn kết, sự hợp tác nhóm của các em càng thêm thắt chặt, gắn bó. Đồng thời giúp các em thấu hiểu được một phần giá trị của lao động và nỗi vất vả của người lao động.


Để đánh giá xếp loại học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định dựa trên bốn tiêu chí: Văn hóa, đạo đức, lao động và văn thể mĩ. Nhưng hiện nay, tiêu chí hoạt động lao động của học sinh trong trường học dường như đã bị bỏ qua, những hoạt động đó dần được “dịch vụ hóa”. Nhiều trường lấy lý do lao động tốn thời gian, đi thêm buổi, ít nhiều ảnh hưởng đến công việc học tập của các em nên đã thay bằng hình thức thu tiền lao động theo từng học kỳ.


Việc thu tiền và thu bao nhiêu không có quy định cụ thể, mà đa phần là do nhà trường đưa ra và sự thống nhất từ phía các bậc phụ huynh. Hàng tháng, nhà trường thay vì cho học sinh lao động hàng ngày lại đi thuê mướn người quét dọn vệ sinh. Ở đây khoan nói đến việc tốn kém tiền bạc mà cái mất mát lớn là học sinh đã không được giáo dục đạo đức và rèn ý thức từ công việc lao động.


Những năm về trước, hầu hết các trường học đều tổ chức lao động cho học sinh. Các nhà trường thường xuyên duy trì hình thức thay phiên từng lớp lao động trong tuần với các công việc như quét dọn sân trường, lớp, nhổ cỏ, tưới nước cây, lau bàn ghế… Các em thực hiện những công việc đó sau giờ học khoảng 20 - 30 phút. Học sinh tự “lao động” sẽ giúp các em biết giữ gìn kết quả công sức lao động của mình, tránh thói quen dựa dẫm ỷ lại, không xả rác bừa bãi trong trường lớp và những nơi công cộng. Tự các em biết mình phải làm gì để giữ gìn môi trường xung quanh sạch đẹp.


Vì vậy, việc “bỏ qua” lao động ở các trường học hiện nay là một hình thức gián tiếp làm học sinh lười vận động và sợ lao động. Sự chậm chạp, ít hoạt động cơ bắp không chỉ có ở học sinh khu vực thành phố mà còn xuất hiện nhiều ở học sinh các vùng nông thôn. Không chỉ các em học sinh ở thành phố mà phần đông học sinh ở các vùng nông thôn, ngoài thời gian học tập, giải trí thì không phải làm bất cứ công việc gì khác.


Vẫn biết hiện nay chương trình học của các em quá nặng, hầu hết các em đều phải học 2 buổi/ngày nên khoảng thời gian trống không nhiều, tuy nhiên việc sắp xếp hoạt động lao động hợp lý cho học sinh là điều mà các nhà trường nên làm. Ngay trên ghế nhà trường cần xây dựng, hình thành cho học sinh ý thức siêng năng lao động. Nhà trường và phụ huynh cần giúp các em biết lao động, yêu lao động và quý sức lao động.



Nguyễn Văn Thanh