06:11 16/06/2020

Giáo dục nghề nghiệp cần gắn với thị trường lao động

Sau dịch COVID-19, giáo dục nghề nghiệp thay đổi theo hướng tập trung đào tạo lại cho người lao động, gắn với đào tạo sơ cấp, đồng thời phù hợp với sự thay đổi của thị trường lao động. Đây là định hướng của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 10 năm tới.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân gợi mở hướng thảo luận về định hướng xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Ngày 16/6, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) đã tổ chức hội thảo “Định hướng Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho biết: Bài toán nguồn nhân lực có kỹ năng đang đặt ra với cả thế giới và Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động tới các mặt kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sau dịch COVID-19, việc định hướng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có vai trò quan trọng. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần coi thị trường lao động là thước đo để tính toán định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030. Trước tiên là đổi mới phương thức quản lý Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Quang Việt, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã làm thay đổi tư duy hiện tại về nghề nghiệp. Nhân công của một số ngành nghề sẽ được thay thế bởi các thiết bị tự động hóa, song cũng sẽ xuất hiện những ngành nghề mới… Do đó, đòi hỏi người lao động phải thường xuyên cập nhật kiến thức để có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi. Theo đó, hệ thống đào tạo cũng phải có năng lực tiếp cận, linh hoạt trong tổ chức đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Các chuyên gia lao động và đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng nhận định: Nhu cầu về lao động có sự thay đổi. Lao động tri thức, có kỹ năng hay chất lượng cao sẽ thay thế cho lao động phổ thông giá rẻ, năng suất thấp. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo quá thấp (21,9% năm 2018), tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật cao và cơ cấu trình độ lao động còn bất hợp lý. Do đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 quy định tại Chương IV Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề mở rộng nhiều vấn đề ngoài Luật Giáo dục nghề nghiệp về học nghề, tập nghề, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động... Cùng với thời kỳ dân số vàng là cơ hội vàng cho giáo dục nghề nghiệp hiện nay có thể phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Hội thảo được tổ chức lần đầu với kỳ vọng là diễn đàn mở để trao đổi, thảo luận, phân tích và từng bước xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp cho giai đoạn tới. Các chuyên gia cũng tập trung phân tích về cung cầu kỹ năng trên thị trường lao động hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với dự báo nhu cầu nhân lực bậc giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030.

XC/Báo Tin tức