01:01 14/01/2014

Giáo dục miền núi còn nhiều khó khăn

Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Nhưng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng thiếu trường, lớp vẫn là bài toán chưa có lời giải, đặc biệt là khi “Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học...” đã kết thúc từ năm 2012.

Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Nhưng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng thiếu trường, lớp vẫn là bài toán chưa có lời giải, đặc biệt là khi “Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên” đã kết thúc từ năm 2012.


Thiếu trường, lớp


Thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chung Chải, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cho biết: Năm học 2013 - 2014, trường có gần 1.000 học sinh, chủ yếu là dân tộc Mông và Hà Nhì, Si La. Toàn xã có 13 điểm trường, với 44 phòng, lớp học, trong đó 30 phòng được kiên cố hóa còn lại là 14 phòng học tạm bằng tranh tre, nứa lá. Tại điểm trường trung tâm, năm nay dự kiến sẽ có khoảng gần 600 học sinh, tăng gần 200 em so với năm học trước. “Do dân di cư tự do đến địa bàn hàng năm khá đông, nên sĩ số học sinh theo đó mà tăng lên. Năm nào, sĩ số học sinh của trường tăng thêm khoảng 60 em, đồng nghĩa với việc phải dựng thêm 3, 4 phòng học”, thầy Khiêm cho biết.

Nhiều học sinh ở huyện Mường Nhé vẫn phải học ở những phòng học tạm như thế này.


Và ngay với những phòng học được gọi là kiên cố, thì khi mục sở thị chúng tôi mới thấy “kiên cố” theo tiêu chí “3 cứng” là: Mái cứng, cột cứng và nền cứng ấy, cũng không khác gì mấy so với phòng học tạm. Lớp học được quây bằng những tấm gỗ tạp, do các thày cô vận động phụ huynh đóng góp, vẫn còn những kẽ hở lớn, mùa hè còn được, chứ mùa đông vùng cao, gió lùa vào lạnh thấu xương.


Ở cấp tiểu học là như vậy, nhưng việc xây dựng trường lớp cho trẻ mầm non ở các điểm bản, đặc biệt là mầm non 5 tuổi còn khó khăn hơn rất nhiều, bởi ở tuổi này là bước đệm quan trọng để các em có thể vững vàng hơn khi vào lớp 1. Chúng tôi đến thăm một lớp học mầm non 5 tuổi ở xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Phòng học của cô và trò nằm trên một khoảng đất nhỏ hẹp, mái được lợp bằng lá, xung quanh quây bằng những phên nứa, nền đất. Mặc dù đã gần trưa, nhưng trong lớp vẫn rất tù mù khi chỉ có một bóng điện bằng quả nhót được đấu nhờ từ thủy điện nhỏ của một nhà dân gần đó. Cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, quê ở Vĩnh Phúc lên đây dạy được hơn 2 năm, cho biết: “Do mỗi bản không đủ sĩ số để thành lập một lớp, nên phải gom các em ở mấy bản xung quanh về đây học. Nói là gần, nhưng bản gần nhất cũng cách xa lớp học gần 3 km.


Ở Trường mầm non Phú Cường, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, cô hiệu trưởng Bùi Thị Huyên cho biết: “Là xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn lớn nhất của trường là cơ sở vật chất, không có các phòng chức năng; thiết bị dạy học, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt còn thiếu. Có điểm lớp lẻ do người dân trong thôn lên rừng lấy nguyên liệu, góp sức, góp công để dựng, bốn bề thưng bằng tre nứa, vách đất, lâu ngày các tấm phên nứa che xung quanh gãy nát, đất lở, mái gianh dột nát, chỉ cần một trận mưa to là có nguy cơ sập. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm xây dựng cho các thôn xa trung tâm xã lớp học kiên cố, để các em đỡ khổ”.


Lời giải nào?


Những năm qua, từ nguồn ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển giáo dục, chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo, nguồn trái phiếu Chính phủ, cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp mầm non được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, trong 5 năm qua, ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, mạng lưới trường, lớp mầm non tăng nhanh. Tuy nhiên, hiện nay giáo dục mầm non ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự được đặt đúng vị trí trong tổng thể chính sách phát triển giáo dục, việc giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp vẫn là bài toán khó của ngành giáo dục. Hiện các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc còn thiếu 7.200 phòng học, còn hơn 5.500 phòng học tạm và 5.852 phòng học nhờ.

Cô và trò lớp 5 tuổi ở xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông phải học trong lớp tạm, thiếu ánh sáng.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Hà Thị Nga cho biết: Hiện toàn tỉnh còn gần 1.500 phòng học tạm, mới có hơn 2.500 nhà công vụ cho giáo viên, đạt hơn 20% so với nhu cầu. Tỉnh đang phải cân đối các nguồn thu, bổ sung kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung biên chế giáo viên, nhân viên y tế còn thiếu cho các trường mầm non đạt chuẩn, tạo điều kiện cho các địa phương này sớm đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.


Theo Phó Chủ tịch Hà Thị Nga, để tháo gỡ những khó khăn trên, thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư cho cấp học mầm non ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số; có kế hoạch đảm bảo nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất cho trường mầm non, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học, xây nhà công vụ cho giáo viên, xóa xã trắng trường mầm non, từng bước xóa các phòng học tranh tre, nứa lá.


Bên cạnh nguồn lực đảm bảo của Trung ương, các địa phương cũng cần dành một nguồn kinh phí phù hợp, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy việc nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện tốt cho chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát triển giáo dục mầm non. Có như vậy mới tạo được sức mạnh tổng hợp của Nhà nước, của xã hội và gia đình để phát triển giáo dục mầm non, tạo điểm khởi đầu cho sự phát triển hình thành nhân cách, phát triển trí tuệ của các em.


Bài và ảnh: Trọng Thủy