08:23 10/08/2012

Giáo dục lịch sử dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt

Thực hiện Chương trình công tác năm 2012, ngày 10/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức kỳ họp thứ 4 nhằm đánh giá hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp 3 và 4 (từ tháng 4/2012 đến nay); thảo luận những công việc chính từ nay đến hết năm 2012.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2012, ngày 10/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức kỳ họp thứ 4 nhằm đánh giá hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp 3 và 4 (từ tháng 4/2012 đến nay); thảo luận những công việc chính từ nay đến hết năm 2012. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.


Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: Dangcongsan.vn

 

Thay mặt Ban Bí thư và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao hoạt động của Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thời gian qua. Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ của Hội đồng trong thời gian tới, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hội đồng cần quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, nội dung của Đề án khoa học “Xây dựng nền lý luận văn nghệ Việt Nam”. Xây dựng nền lý luận văn nghệ Việt Nam về bản chất là nền lý luận văn nghệ cách mạng Việt Nam. Do vậy, khi triển khai, Hội đồng cần quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mỹ học Mácxít và đường lối văn nghệ của Đảng, đồng thời tiếp thu những thành tựu tiến bộ của lý luận, phê bình của các nước trên thế giới.


Đồng tình với chủ đề cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử”, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Giáo dục lịch sử dân tộc là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xây dựng nền văn hóa, xây dựng phẩm chất, nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam. Giáo dục lịch sử dân tộc bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bằng đề tài lịch sử là phương pháp có tác dụng tích cực và sâu rộng, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách của mỗi con người Việt Nam. Cần có nhiều hơn nữa tác phẩm văn học nghệ thuật hấp dẫn, sâu sắc, tái hiện sinh động lịch sử, làm lay động, cuốn hút tâm hồn, tình cảm của công chúng nhưng cần bảo đảm sự chân thật lịch sử, không bóp méo sự thật lịch sử. Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Hội đồng cần xác định rõ mục đích, yêu cầu của hội thảo để xây dựng kế hoạch và tiến hành đồng bộ các giải pháp, đảm bảo hội thảo đạt kết quả thiết thực.


Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cần rút kinh nghiệm về việc phát hành số đầu tiên Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật để hình thành một chương trình tổng thể từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của tạp chí, tạo thế đứng vững chắc của Tạp chí trong lòng bạn đọc, phấn đấu để tạp chí ngày càng hay hơn, đẹp hơn và có sức hấp dẫn hơn trong lòng công chúng. Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chú ý nghiên cứu kỹ, cẩn trọng, coi trọng nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính giáo dục trong đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật.


Tại kỳ họp này, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử”. Hội thảo sẽ hướng vào các mục tiêu cơ bản: giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử; làm rõ hơn động cơ tìm kiếm sáng tạo về đề tài này; phê phán các động cơ, nhận thức lệch lạc phương hại đến lịch sử và nghệ thuật. Hội thảo cũng nhằm tạo cơ sở lý luận và nhận thức vững chắc để các nghệ sỹ tìm tòi, khám phá sâu sắc hơn về đề tài lịch sử.

 

Hương Thủy