03:01 18/03/2011

Giao dịch ngoại tệ cần cơ chế giám sát rõ ràng, minh bạch

Trong tháng 2 vừa rồi, một loạt yếu tố liên quan đến chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN) như điều chỉnh tỷ giá, giá xăng dầu, điện tăng cộng với lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao đã tác động không nhỏ đến hoạt động của DN.

Trong tháng 2 vừa rồi, một loạt yếu tố liên quan đến chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN) như điều chỉnh tỷ giá, giá xăng dầu, điện tăng cộng với lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao đã tác động không nhỏ đến hoạt động của DN. Hiện giờ chúng ta cũng đang thực hiện những biện pháp hạn chế giao dịch ngoại tệ tự do, quản lý thị trường ngoại hối.

Khách hàng giao dịch mua bán ngoại tệ tại Hội sở Ngân hàng Quốc tế. Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Đây được xem là những biện pháp cần thiết song vấn đề đặt ra là làm thế nào để không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển DN (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

Thưa Tiến sỹ, việc điều chỉnh tỷ giá, tăng giá xăng dầu, giá điện được cho là cần thiết, nhưng mức điều chỉnh vừa rồi liệu có gây “sốc” cho DN ?

Sức ép của việc tăng giá nhiều loại nguyên nhiên vật liệu, tỷ giá, vốn đều đã được cảnh báo từ trước song mức điều chỉnh khá cao, lộ trình lại ngắn nên tôi nghĩ rằng có gây sốc cho DN. DN sẽ bị tác động bởi những chi phí đầu vào tăng cao này, đặc biệt là những DN mà trong quá trình lập kế hoạch sản xuất kinh doanh không có chi phí dự phòng. Trên thực tế, cũng không có nhiều DN có chi phí dự phòng cao tới mức tăng của chi phí đầu vào của giá xăng, giá điện như vừa rồi.

Điều chỉnh tỷ giá giữa đồng USD và VND, giá xăng dầu, giá điện tăng cao sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng, và một khi chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao thì lãi suất ngân hàng cũng khó hạ. Bà có cho rằng DN sẽ thêm phần khó khăn?

DN sẽ thêm khó khăn bởi khi chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao thì việc huy động vốn, rồi nguồn vốn đầu vào cho ngân hàng cũng khó khăn. Khi đó, các ngân hàng thường phải tăng lãi suất đầu vào và sẽ kéo theo lãi suất đầu ra, lãi suất cho vay tăng theo bởi ngân hàng cũng phải kinh doanh. Tôi nghĩ rằng không dễ gì các ngân hàng giảm được lãi suất cho vay nhưng họ có thể chia sẻ với DN bằng cách giảm một số chi phí không cần thiết hoặc bớt lãi trong kinh doanh tiền tệ để hỗ trợ đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Chúng ta đang thực hiện việc hạn chế giao dịch ngoại tệ tự do, quản lý thị trường ngoại hối. Đây là việc làm cần thiết, song theo bà, cần làm thế nào để ổn định nguồn cung ngoại tệ cho DN?

Tôi nghĩ rằng vấn đề này phụ thuộc vào việc điều hành nguồn ngoại tệ trong các ngân hàng thương mại (NHTM). Cần phải có chính sách rất rõ ràng để các ngân hàng phải bán ngoại tệ cho DN khi họ có nhu cầu. Thứ hai là phải kiểm soát được một số đơn vị găm giữ ngoại tệ không bán cho ngân hàng. Ở đây có hai mặt của một vấn đề. Cơ chế giám sát phải rõ ràng và minh bạch để đảm bảo rằng người cần ngoại tệ thì mua được ngoại tệ, người có ngoại tệ cũng nên bán cho các ngân hàng nhưng chính họ cũng phải được quyền mua khi họ có nhu cầu. Nếu cứ có tình trạng lúc bán cho ngân hàng rất dễ dàng, còn khi mua lại rất khó khăn thì xu hướng găm giữ ngoại tệ vẫn tồn tại. Ở đây rất cần vai trò của nhà nước trong việc giám sát ngoại tệ trong các NHTM.

Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, ngoài hệ thống ngân hàng, họ cấp phép cho một số đại lý thu đổi ngoại tệ tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn ngoại tệ không chỉ của DN mà của các đối tượng khác được thuận lợi hơn. Theo bà, Việt Nam có nên áp dụng cách này không?

Tôi nghĩ rằng những kinh nghiệm như vậy có thể áp dụng một phần nào nhưng chung quy lại điều cốt yếu vẫn phụ thuộc vào hệ thống giám sát của Nhà nước. Nếu chúng ta mở rộng hệ thống đó nhưng lại không giám sát được thì sẽ không mang lại lợi ích và thị trường vẫn bị một số người đầu cơ và lũng đoạn.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Thanh (thực hiện)