06:09 26/06/2012

Giảng viên đại học vừa mỏng, vừa yếu

Việc phát triển ồ ạt về số lượng mà không chú trọng chất lượng của các trường ĐH, CĐ đã dẫn đến hậu quả: Lực lượng giảng viên trong mỗi trường ngày càng mỏng và yếu.

Việc thành lập các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội về nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt về số lượng mà không chú trọng chất lượng của các trường ĐH, CĐ đã dẫn đến hậu quả: Lực lượng giảng viên trong mỗi trường ngày càng mỏng và yếu.

 

Thiếu giảng viên cơ hữu


Theo quy định mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), các trường ĐH phải dựa vào hai tiêu chí: Đội ngũ giảng viên cơ hữu (chính thức) của trường phải đạt từ 25 sinh viên/giảng viên và diện tích sàn xây dựng của trường 2 m2/sinh viên để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu xét đúng như hai tiêu chí trên thì sẽ có rất nhiều trường phải tạm ngưng tuyển sinh vì hiện nay đa số các trường đại học đều có tỷ lệ giảng viên/sinh viên khá thấp.


Từ đầu năm 2012, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thanh tra các trường ĐH, CĐ trên cả nước và phát hiện nhiều trường còn khó khăn về cơ sở vật chất và thiếu thốn về đội ngũ giảng dạy. Trong đó, bảy trường có dưới 50 giảng viên cơ hữu và không hợp đồng dài hạn, 42 ngành đào tạo đại học chưa có tiến sỹ đúng ngành, 25 ngành cao đẳng chưa có thạc sỹ đúng ngành. Qua thanh tra, Bộ cũng đã đình chỉ tuyển sinh nhiều trường ĐH, CĐ và nhiều ngành học. Đơn cử như trường đại học Văn Hiến (TP Hồ Chí Minh) có 4.947 sinh viên nhưng chỉ có 57 giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên là gần 87/1; trường cao đẳng Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh có 6.420 sinh viên nhưng chỉ có 76 giảng viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 84,5/1. Bên cạnh đó, cả hai trường này đều không đáp ứng được về cơ sở vật chất theo quy định của Bộ.


Tỷ lệ sinh viên/giảng viên đang ở mức rất cao.

 

Để thực hiện đúng như tiêu chí của Bộ GD&ĐT, nhiều trường cũng gấp rút tuyển dụng giảng viên cơ hữu nhưng để tuyển được đội ngũ giảng viên này thì lại rất khó. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu Trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Hiện nay trường đang có nhu cầu tuyển thêm 150 giảng viên, ưu tiên người có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ nhưng hiện rất khó tuyển vì không có nguồn”. Tại Trường đại học Văn Lang, tổng quy mô đào tạo hiện nay của trường là 10.000 sinh viên, thì phải cần khoảng 400 giảng viên nhưng hiện số giảng viên của trường chỉ đạt khoảng 320, như vậy trường sẽ cần phải tuyển thêm 80 giảng viên nhưng hiện vẫn chưa tìm đâu ra nguồn để tuyển.


Tương tự, nhiều trường ĐH, CĐ tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Tuyển được người có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ rất khó nên nhiều trường đành phải tuyển những người có trình độ đại học rồi từ đó tổ chức đào tạo dần lên thạc sỹ, tiến sỹ thì may ra mới đủ được số lượng giảng viên cơ hữu theo đúng tiêu chuẩn đặt ra.


Theo GS. TS Ngô Văn Lệ, nguyên hiệu Trưởng trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, các trường ĐH, CĐ được thành lập đã đáp ứng được nhu cầu tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại tình trạng nhiều trường ĐH, CĐ mở ra nhưng lại thiếu giảng viên trầm trọng. Để tránh sự “tuýt còi” của Bộ GD&ĐT, các trường này đã đưa ra một danh sách giảng viên có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ theo đúng chỉ tiêu của Bộ yêu cầu, nhưng thực tế những tiến sỹ, thạc sỹ trên lại không tham gia vào công tác quản lý và giảng dạy tại trường. Do đó, để quản lý được sâu sát chất lượng giảng viên thì Bộ cần phải tăng cường công tác thanh kiểm tra.

 

Và thiếu giảng viên chất lượng


Trong quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 vừa được Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành, đến năm 2019 - 2020 bậc cao đẳng nhu cầu giảng viên có trình độ thạc sỹ là khoảng 27.000 người, trình độ tiến sỹ là 3.500 người; nhu cầu của bậc đại học là khoảng 58.000 người trình độ thạc sỹ và 29.000 người trình độ tiến sỹ.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến nay cả nước có khoảng 77.500 giảng viên, trong đó có 14% giảng viên ĐH, CĐ có trình độ tiến sỹ trở lên, 35% trình độ thạc sỹ, như vậy còn khoảng hơn 50% giảng viên ở các trường ĐH, CĐ là chưa có bằng tiến sỹ và thạc sỹ. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu nguồn nhân lực sau khi đào tạo tại các trường ĐH, CĐ có thực sự đạt chất lượng theo đúng yêu cầu của xã hội.


GS.TS Ngô Văn Lệ cho biết: “Muốn có được chất lượng tốt trong đào tạo thì phải xây dựng được một đội ngũ giảng viên đảm bảo cả về chất lượng, số lượng và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cũng phải đáp ứng đúng nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay số người có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ lại chiếm tỷ lệ rất thấp nên buộc các trường phải sử dụng giảng viên có trình độ đại học để dạy đại học”. GS.TS Ngô Văn Lệ cũng nhìn nhận: “Một người có trình độ đại học chưa thật sự thông suốt thì làm sao có thể truyền tải được kiến thức cho người đang học đại học. Như vậy chất lượng giáo dục đào tạo sẽ không có hiệu quả cao như mong muốn đề ra”.


Do thiếu giảng viên, nhiều trường buộc phải sử dụng giáo viên thỉnh giảng từ các trường ĐH, CĐ khác nên việc giảng viên “chạy sô” là chuyện không còn hiếm. Bạn N. M. T sinh viên trường đại học Tài chính Maketting TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Nhiều thầy tới dạy học đều giới thiệu là giảng viên từ các trường đại học khác như: Đại học Kinh tế, đại học Ngân hàng... Vì học nhiều môn học không phải do giáo viên của trường dạy nên tụi em rất bị động về thời gian. Có khi ngày chủ nhật và thứ 7 cũng phải đi học cả ngày còn vài ngày khác trong tuần thì được nghỉ”.


GS.TS Ngô Văn Lệ cho biết: “Số lượng giáo sư, tiến sỹ được phong mới chưa đáp ứng kịp đối với số lượng giáo sư và tiến sỹ đã nghỉ hưu. Do đó, sẽ thiếu hụt những người có trình độ cả trong đào tạo và trong quản lý. Bên cạnh đó, chúng ta thực sự chưa có những chính sách giữ chân giảng viên nên vì nhu cầu của cuộc sống, việc giảng viên “chạy sô” giảng dạy tại nhiều trường khác là điều tất yếu và chất lượng giảng dạy cũng một phần bị ảnh hưởng”.

 

Bài và ảnh: Đan Phương