05:12 06/05/2011

Gian nan phát triển y dược cổ truyền

Ngày 5/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chính sách quốc gia về y dược cổ truyền giai đoạn 2003 - 2010 và triển khai kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền đến năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và phát biểu tại hội nghị.

Ngày 5/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chính sách quốc gia về y dược cổ truyền giai đoạn 2003 - 2010 và triển khai kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền đến năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và phát biểu tại hội nghị.

Nhiều chỉ tiêu không đạt sau 7 năm phấn đấu

“Việc triển khai Chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền (CSQG về YDCT) ở nhiều địa phương còn chậm. Hiện còn 14/63 tỉnh, thành phố chưa được UBND tỉnh phê duyệt “Kế hoạch thực hiện Chính sách quốc gia về YDCT đến năm 2010 tại địa phương”, tương đương 22,2%”, ông Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết.

Sau 7 năm triển khai CSQG về YDCT, đến nay hệ thống quản lý và khám chữa bệnh bằng YHCT vẫn rất mỏng, quy mô chưa phù hợp.

Mục tiêu CSQG đề ra tới năm 2010 là 100% Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải có Phòng quản lý YDCT, nhưng hiện nay chỉ có duy nhất TP Hồ Chí Minh thành lập được bộ phận này. Do biên chế hạn chế nên tại các Phòng (Trung tâm y tế) quận, huyện, thị xã, chỉ có chuyên viên bán chuyên trách theo dõi. Do đó, không thể tham mưu đầy đủ, kịp thời cho lãnh đạo Sở, lãnh đạo UBND quận, huyện triển khai các hoạt động YDCT một cách toàn diện.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân sử dụng thuốc Nam chữa bệnh thông thường. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Điều đáng nói là hiện còn tới 13/63 tỉnh chưa có bệnh viện YHCT. Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng YHCT tuy có tăng theo từng năm nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Năm 2010, tỷ lệ người bệnh được khám chữa bệnh bằng YHCT tại tuyến tỉnh đạt 10%/25% mục tiêu đề ra, tuyến huyện là 11,4%/25%, tuyến xã là 25,3%/40%...

“Nguyên nhân chủ yếu là việc đầu tư kinh phí cho YHCT còn thấp. Tỷ lệ cán bộ YDCT so với tổng số cán bộ ngành y và tỷ lệ số giường bệnh cho YHCT so với cán bộ y học hiện đại cũng còn quá thấp”, ông Phạm Vũ Khánh lý giải.

Theo một đại diện Cục quản lý dược, công tác phát triển dược liệu, thuốc từ dược liệu hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vùng phân bố tự nhiên của các loài cây thuốc bị thu hẹp: Nhiều vùng rừng có cây thuốc phong phú nay đã hoàn toàn bị phá bỏ như vùng núi Hàm Rồng vốn có rất nhiều loài thuốc quý như Sâm vũ diệp, Tam thất hoang, Hoàng liên gai… nhưng hiện đã bị phá hủy để trồng ngô và các loại cây trồng khác… Bên cạnh đó, do việc khai thác dược liệu tự nhiên chưa có tổ chức và không có kế hoạch nên nhiều loài dược liệu quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, người trồng dược liệu và doanh nghiệp nên không thúc đẩy được việc thành lập các vùng chuyên canh.

“Đặc biệt, dược liệu nhập khẩu, chủ yếu qua đường tiểu ngạch còn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 50%) nên rất khó kiểm soát và quản lý được nguồn gốc và chất lượng dược liệu”, ông Phạm Vũ Khánh thừa nhận.

Hiện đại hóa y học cổ truyền

Nhằm hiện đại hóa và phát triển mạnh YDCT trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; củng cố và phát triển tổ chức, mạng lưới YDCT, cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về việc phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020.

Theo đó, tới năm 2020 có 100% viện có giường bệnh, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có Khoa YDCT; 100% phòng khám đa khoa và trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổ YDCT do thầy thuốc YDCT của trạm y tế phụ trách. Về khám, chữa bệnh bằng YDCT, phấn đấu tuyến trung ương đạt tỷ lệ 15%; tuyến tỉnh đạt 20%; tuyến huyện đạt 25% và tuyến xã đạt 40% (hầu hết chỉ tiêu này được đề ra trong CSQG giai đoạn 2003- 2010).

Để có thể đạt được các mục tiêu nêu trên, một đại diện của Công ty Traphaco kiến nghị, Bộ Y tế cần chủ trì giao cho Hội đồng dược điển, các Viện nghiên cứu, các bệnh viện, các cơ sở sản xuất sàng lọc, đánh giá các bài thuốc để lựa chọn những bài thuốc có giá trị đưa vào Dược điển Việt Nam. Nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hôm nay. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp làm công tác sản xuất dược liệu, thuốc từ dược liệu. Ban hành quyết định cấm xuất khẩu dược liệu hoang dại, tránh nạn chảy máu tài nguyên trầm trọng hiện nay...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra các chỉ tiêu về y học cổ truyền chưa đạt được trong giai đoạn 2003-2010. Đó là: Nhóm chỉ tiêu liên quan đến hoàn thiện hệ thống quản lý hiện nay (13 tỉnh, thành phố chưa có chương trình y học cổ truyền, chưa có bệnh viện y học cổ truyền); Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền chưa đạt yêu cầu; Tỷ lệ sử dụng y học cổ truyền ở các cơ sở y tế mục tiêu là 30% nhưng trên thực tế chỉ đạt 10%... Theo Phó Thủ tướng, để hoàn thành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 chúng ta cần tháo gỡ cơ chế chính sách còn vướng mắc; cơ cấu cạnh tranh và cơ cấu phối hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; triết lý phát triển y học cổ truyền trong điều kiện nền y tế hiện đại; tăng cường thông tin cho người dân về y học cổ truyền nhất là các bệnh viện có chất lượng cao cũng như rà soát lại công tác quảng cáo y học cổ truyền; cần nghiên cứu đưa ra chuỗi thương hiệu y học cổ truyền...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nêu rõ: Giai đoạn tới Bộ Y tế triển khai có hiệu quả các giải pháp trong kế hoạch hành động của Chính phủ để đến năm 2020 đạt được các mục tiêu trong kế hoạch đã đề ra; Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế điều hành trong lĩnh vực y học cổ truyền; đẩy mạnh nghiên cứu khoa cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đưa nền y học cổ truyền sớm đạt được trình độ khu vực và quốc tế; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh và kế thừa những bài thuốc hay, cây thuốc quý và phương pháp phòng chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và tiện ích cho mọi người.

Phương Liên