06:11 06/06/2011

Gian nan... nước sạch

Huyện Ia Pa cách trung tâm thành phố Plâycu khoảng 100 km về phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai. Dù được thành lập đã 8 năm, các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế nhưng thật trớ trêu...

Huyện Ia Pa cách trung tâm thành phố Plâycu khoảng 100 km về phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai. Dù được thành lập đã 8 năm, các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế nhưng thật trớ trêu khi toàn bộ những người đang sinh sống và làm việc ở khu vực trung tâm hành chính huyện từng ngày phải mua nước sạch phục vụ sinh hoạt, dù nhà máy nước được đầu tư xây dựng ngay trung tâm của thị trấn huyện.
Chị Thảo - chủ cửa hàng bán đồ ăn sáng và cà phê tại trung tâm huyện cho biết: Mỗi tháng bình quân quán chị phải chi gần 2 triệu đồng mua nước đóng bình loại 20 lít để nấu ăn và khoảng 1 triệu đồng để mua nước sinh hoạt hàng ngày, với giá 100.000/m3. Như vậy, mỗi tháng chị mất khoảng 3 triệu tiền mua nước dù quán của chị cách nhà máy nước khoảng 200 m.

Vào các cơ quan công sở nhà nước ở trung tâm hành chính huyện Ia Pa, đâu đâu cũng thấy hàng chục bình nước lọc đóng chai loại 20 lít dựng đầy lối đi. Thầy Nguyễn Đào Lâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Ia Pa cho biết: Nhà máy nước hoạt động thất thường, hầu như cả tháng không mở nước, giếng khoan thì chẳng có một giọt. Ở đây còn đỡ vì cả cơ quan có 5 người nên tằn tiện cũng đủ dùng chứ ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện khổ lắm, cứ chiều chiều là các thầy, cô giáo phải chở nhau ra dòng sông Ba để tắm, giặt.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ia Pa - nơi cần nước sạch nhất cũng phải chịu chung số phận “đói nước”. Bác sĩ Nay Nuar, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Ia Pa bức xúc: "Bệnh viện huyện mới xây xong, quy mô 50 giường bệnh, trung bình điều trị cho 30 - 40 bệnh nhân/ngày nhưng không được xây dựng giếng khoan và bể chứa nước. Vì không có nước máy nên hàng ngày toàn bộ bệnh nhân và hơn 50 cán bộ y bác sĩ tại đây phải dùng nước từ nơi khác chở về, vừa tốn tiền lại không đảm bảo vệ sinh. Người dân trong huyện đa số phải dùng nước suối và nước mua từ nơi khác chở đến, khâu vệ sinh không được đảm bảo nên mùa nắng nóng, tỷ lệ các bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy, mẩn ngứa gia tăng gấp 4 - 5 lần ngày thường...

Để giải quyết khó khăn về nước sạch, năm 2007, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt có công suất 1.000 m3 nước/ngày, với tổng kinh phí 7,1 tỷ đồng. Đến ngày 10/7/2007 công trình được khởi công xây dựng trong niềm vui sướng của nhân dân. Thế nhưng, đến đầu tháng 9/2009 công trình được hoàn thành và đưa vào thử tải, thử áp thì tại nhiều nơi của đường ống dẫn nước cứ thi nhau vỡ như bong bóng, hệ thống máy bơm nước lên bể chứa thay nhau “đổ bệnh”. Đến nay công trình nhà máy nước hoàn toàn tê liệt trước sự bất lực của đơn vị thi công.

Theo ông Nguyễn Cường, Trưởng ban quản lý dự án huyện Ia Pa, từ khi đưa vào vận hành thử cho đến nay, nhà máy nước liên tục gặp sự cố. Hệ thống đường ống dẫn nước làm bằng loại ống nhựa phi 165-168 mm chịu áp lực lớn thường bị vỡ các mối nối. Động cơ máy bơm đặt âm dưới mặt đất 14 m thiếu bảo dưỡng vận hành nên hay bị cháy, bị trục trặc, đến nay bên thi công vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Trần Quang Thái