09:00 11/09/2012

Gian nan giảm hàng tồn kho

Tại Giao ban sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (10/9), Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vị khẳng định, mặc dù các khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều thách thức, nhất là tồn kho vẫn ở mức rất cao.

Tại Giao ban sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (10/9), Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vị khẳng định, mặc dù các khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều thách thức, nhất là tồn kho vẫn ở mức rất cao.

 

Tồn kho hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng vẫn tăng


Ông Nguyễn Tiến Vị cho biết, do nhu cầu trong nước giảm dần đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm nên lượng tồn kho hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục tăng, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các đầu tàu kinh tế của cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Bình Dương. Đơn cử như tồn kho than đến hết tháng 8 vẫn rất cao với 6,9 triệu tấn do các hộ tiêu thụ lớn trong nước giảm mạnh khối lượng ký hợp đồng; trong khi xuất khẩu chỉ bằng 76,2% so với cùng kỳ.


Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng dù đã tăng tới 17,8% so với cùng kỳ nhưng riêng tháng 8 lại giảm 3,8% so với tháng 7 do giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô, than đá cũng như giảm giá xuất khẩu một số mặt hàng có kim ngạch lớn như: Gạo giảm 9,1%, cao su giảm hơn 32%, nhân điều giảm hơn 18%, xơ sợi dệt các loại giảm 20%.


Lý giải về những vướng mắc trong đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giảm tồn kho, Giám đốc Sở Công Thương An Giang, bà Mai Thị Ánh Tuyết chỉ rõ: Mặc dù xuất khẩu lúa và cá chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh nhưng thời gian qua, việc xuất khẩu lúa gạo của An Giang gặp khó khăn do Nghị định 109 ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo đang tồn tại nhiều bất cập. Theo đó, Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp nhưng lại khống chế chỉ tiêu là 100 doanh nghiệp đầu mối. Việc khống chế này vô hình chung cản trở việc tiêu thụ lúa gạo của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do không căn cứ vào khả năng nguồn cung. Đây là mâu thuẫn lớn trong xuất khẩu gạo, bà Tuyết khẳng định.


Thừa nhận về những bất cập trong xuất khẩu gạo, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh cho biết: Thực tế có hơn 100 doanh nghiệp làm đầu mối xuất khẩu nhưng trong số này có những doanh nghiệp cả năm không xuất khẩu được tấn gạo nào.


Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi cũng cho biết: Tiêu thụ thép vẫn trầm lắng với 356 nghìn tấn trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ các năm là 500 nghìn tấn/tháng và tồn kho là 315 nghìn tấn, cao hơn so với mức tồn kho các năm.

 

Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp


Giải bài toán về hàng tồn kho là một yêu cầu bức thiết giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Vấn đề này đang là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.


Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, chỉ thị 13/CT - BCT được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký ban hành ngày 17/8/2012 là một bước đột phá để giúp doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, tiếp cận với vốn vay ngân hàng và phát triển sản xuất. Cụ thể, Bộ đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xác định nhiệm vụ trong từng công việc cụ thể trong chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch... các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý.


Các cơ quan quản lý cũng cần xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư từ nước ngoài. Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đang triển khai hàng loạt chương trình kích cầu, trong đó đẩy mạnh hơn nữa chương trình bình ổn giá, kết nối sản xuất - dự trữ với hệ thống phân phối nhằm giảm giá thành cũng như cân đối cung - cầu trong nước.


Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho hay, nhiều giải pháp để tăng mua nông sản, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với từng vùng, miền đang được nhân rộng. "Vụ thị trường trong nước đang triển khai mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi, sau khi làm xong tại 12 tỉnh thành sẽ có tổng kết để nhân rộng," ông Quyền nói.


Cùng với hàng loạt giải pháp đồng bộ trên, Bộ Công Thương đang đề xuất Ngân hàng nhà nước áp dụng việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như nghiên cứu cơ chế bảo hiểm tín dụng với các thị trường tiềm năng nhưng có rủi ro cao và điều chỉnh linh hoạt thuế suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, mở rộng và tái cấu trúc thị trường, cả trong và ngoài nước cũng là một trong những hướng triển khai quyết liệt nhằm giảm áp lực cho việc tiêu thụ tại thị trường nội địa.

 

Thu Hường - Kim Anh