10:23 21/10/2011

Gian nan đưa nghệ thuật truyền thống đến với du khách

Những giá trị nghệ thuật truyền thống của Hà Nội cũng như cả nước rất phong phú với một chiều sâu văn hóa lịch sử được thăng hoa trong đời sống tinh thần của người dân Việt suốt hàng nghìn năm qua.

Những giá trị nghệ thuật truyền thống của Hà Nội cũng như cả nước rất phong phú với một chiều sâu văn hóa lịch sử được thăng hoa trong đời sống tinh thần của người dân Việt suốt hàng nghìn năm qua. Nhưng điều đáng buồn là những giá trị nghệ thuật ấy vẫn chỉ là... tiềm năng, chưa được biến thành sản phẩm để thu hút du khách trong và ngoài nước, cũng như giúp du khách hiểu thêm về nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc.

Du khách nước ngoài xem múa rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội).


Du khách đến Hà Nội luôn lặp lại điệp khúc “ăn tối – rối nước” sau một ngày tham quan. Các cơ quan quản lý du lịch lẫn các công ty lữ hành luôn “đau đáu” suy nghĩ: Xây dựng sản phẩm du lịch gì cho hấp dẫn để giữ chân du khách? Nhưng xem ra, việc đưa nghệ thuật truyền thống của Hà Nội đến với du khách quả không dễ gì.

Nói một cách công bằng, các nhà hát, các câu lạc bộ nghệ thuật của Hà Nội đã ý thức từ rất lâu việc xây dựng các chương trình nghệ thuật điển hình để thu hút du khách. Ngoài việc giữ gìn, phát huy, quảng bá nghệ thuật truyền thống, nó còn là nguồn sống của các nhà hát. Nhưng hiện chỉ có duy nhất Nhà hát Múa rối Thăng Long là thành công trong việc này. Một phần họ biết xây dựng chương trình tốt, một phần tận dụng được lợi thế về vị trí điểm diễn. Các nhà hát, câu lạc bộ khác như Nhà hát Chèo Hà Nội, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long cũng “gồng” mình với đến đối tượng khách du lịch nhưng lại luôn trong tình trạng “hụt hơi”.

Trên thực tế, “bà mối” là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã nhiều lần “se duyên” nhưng sau đó vẫn hầu như nguyên hình nguyên trạng. Năm trước, Nhà hát Chèo Hà Nội được sự bảo trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xây dựng một chương trình riêng phục vụ khách du lịch “Trẩy hội ngày xuân” khá công phu, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật: Chèo, xiếc, ca trù, lên đồng, quan họ… rất phù hợp với du lịch. Nhưng sau những buổi ra mắt, hội thảo, có sự tham dự của gần một trăm công ty lữ hành; rốt cuộc Nhà hát Chèo Hà Nội cũng không đón được nhiều khán giả từ các công ty đưa tới.

Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng website Anh – Việt từ năm 2008 và lên lịch biểu diễn định kỳ 2 buổi/tuần để phục vụ khách quốc tế nhưng dù được luyện tập kỹ lưỡng chờ mãi chẳng có mấy du khách đến thưởng thức. Còn đối với ca trù Hà Nội, khi loại hình nghệ thuật này trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, CLB Ca trù Thăng Long với ý tưởng đưa nghệ thuật đặc biệt này phục vụ cho du khách đến tìm hiểu, khám phá phố cổ đã mở địa điểm hát ca trù tại đền Quán Đế (28 Hàng Buồm) và Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, nhưng du khách đến nghe hát cũng chỉ đếm được quá đầu ngón tay một chút. Ca nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long tâm tư: “Đa phần khách tới nghe hát tại những điểm biểu diễn của câu lạc bộ là khách lẻ chứ chưa có khách đoàn do các công ty lữ hành đưa tới. Chúng tôi đã nhiều lần kết nối với các công ty du lịch nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên điểm biểu diễn ca trù chưa có mặt trong các tour du lịch”.

Lý giải tại sao các công ty du lịch chưa khai thác nhiều loại hình du lịch truyền thống đưa vào phục vụ du khách, bà Nguyễn Xuân Tú, Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội cho biết: Các công ty du lịch rất muốn đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du khách nhằm làm phong phú sản phẩm tour, tuy nhiên đa phần các điểm biểu diễn này chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ du khách. Đó là giao thông không thuận lợi, không có điểm đỗ xe đón trả khách; cơ sở vật chất tại các điểm biểu diễn chưa đảm bảo tiện nghi; các chương trình biểu diễn chưa thật phong phú và lịch diễn cũng không phù hợp. Nếu rối nước Thăng Long biểu diễn liên tục theo giờ, bất cứ hãng lữ hành nào khác đưa tới cũng có thể xem được, thì các điểm biểu diễn nghệ thuật khác biểu diễn theo ngày, không phù hợp với thời gian đưa đón khách của công ty. Một mặt, các công ty du lịch mua hẳn chương trình phục vụ khách thì kinh phí không cho phép. Hơn nữa, do không tương đồng về ngôn ngữ (khách quốc tế); khách du lịch cần biểu diễn bằng hình tượng hơn là lời nói, nhưng các chương trình nghệ thuật chưa đáp ứng được điều này.

Theo các công ty du lịch, để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với du khách, trước hết, các điểm biểu diễn nghệ thuật phải tự đổi mới mình bằng cách nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nội dung chương trình và thời gian biểu diễn phù hợp. Nhưng thực tế, các điểm biểu diễn cũng cần sự giúp sức của chính các công ty lữ hành nhằm tạo sự thuận lợi giữa hai bên. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng: “Muốn đưa nghệ thuật truyền thống vào phát triển du lịch cần phải quy hoạch thành các điểm biểu diễn tốt, chương trình hấp dẫn. Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội do Sở đang xây dựng có chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Nội, trong đó có sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể nhằm khơi dậy nét riêng của Hà Nội”.

Đinh Thị Thuận