04:00 06/04/2011

Gian nan “đáo tụng đình”

Một vụ kiện không quá phức tạp, đã hai lần Tòa án nhân dân Tối cao định hướng xét xử, nhưng không hiểu sao Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng khiến đương sự phải “hầu kiện” hết lần này đến lần khác.

Một vụ kiện không quá phức tạp, đã hai lần Tòa án nhân dân Tối cao định hướng xét xử, nhưng không hiểu sao Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng khiến đương sự phải “hầu kiện” hết lần này đến lần khác.





TAND tỉnh Cao Bằng có quan điểm khác TAND Tối cao về chủ sở hữu ngôi nhà này.

Thuận mua vừa bán

Năm 2001, anh Ngô Danh Thắng thỏa thuận mua căn nhà 60 m2 của vợ chồng bà Vương Thị Mùi, ông Nông Thắng tại tổ 1 (nay là nhà số 029 tổ 27 phường Hợp Giang) Vườn Cam, thị xã Cao Bằng với giá 278 triệu đồng, có lập hợp đồng và được UBND phường Hợp Giang xác nhận. Anh Thắng đã giao đủ tiền, phía bà Mùi cũng đã nộp thuế chuyển nhượng và giao các giấy tờ về nhà đất cho anh Thắng, hẹn trước Tết Nguyên đán năm 2002 sẽ giao nhà. Anh Thắng sau khi nhận giấy tờ nhà, đất thì cũng đã đi nộp thuế trước bạ. Tuy nhiên, sau đó thì bên bán xin hủy hợp đồng và trả lại tiền với lý do mẹ của bà Mùi không đồng ý.

Cũng phải nói thêm về nguồn gốc của ngôi nhà là của cụ Lý Thị Khình (mẹ của bà Mùi). Trước khi đi định cư tại Canađa, ngày 14/4/1979, cụ Khình làm giấy ủy nhiệm giao cho bà Mùi toàn quyền sử dụng ngôi nhà trên. Sau đó gia đình bà Mùi cũng vào miền Nam sinh sống, chính quyền địa phương đã quản lý ngôi nhà và giao cho hợp tác xã 8/3 sử dụng làm nơi sản xuất. Đến năm 1984, bà Mùi mới về Cao Bằng và làm đơn xin lại nhà. Ngày 12/12/1988, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo UBND thị xã Cao Bằng thu hồi lại căn nhà đang do HTX 8/3 sử dụng để giao lại cho bà Mùi. Ngày 16/1/1989, UBND thị xã Cao Bằng đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho bà Mùi. Ngày 27/2/2001, UBND tỉnh Cao Bằng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Mùi trên diện tích đất nêu trên.

Nguồn gốc ngôi nhà đã rõ, việc mua bán giữa hai bên cũng được xác định là ngay tình, hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, hai cấp Tòa án nhân dân thị xã Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng lại có những quyết định khác nhau, khiến cho vụ kiện đến nay là 10 năm, trải qua 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần xét xử phúc thẩm, 2 lần xét xử giám đốc thẩm. Đặc biệt là hai bản án mới nhất của TAND thị xã Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng vẫn tiếp tục trái với nhận định của Tòa án nhân dân Tối cao.

“Ma trận” bản án

Ngày 20/6/2002, TAND thị xã Cao Bằng đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ kiện. Tòa xác định thủ tục mua bán nhà là đúng pháp luật và quyết định giao ngôi nhà cho anh Thắng.

Nhưng ngày 28/10/2002, TAND tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm cho rằng quyền sở hữu ngôi nhà vẫn thuộc cụ Khình, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Mùi của UBND tỉnh Cao Bằng là không đúng. Do đó, Tòa tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán giữa anh Thắng và vợ chồng bà Mùi là vô hiệu. Bản án có hiệu lực ngay.

Tuy nhiên, bản án phúc thẩm đã bị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên hiệu lực của bản án sơ thẩm. Và ngày 30/7/2003, trong phiên giám đốc thẩm (lần 1),Tòa Dân sự TAND Tối cao xác định chính quyền đã thu hồi ngôi nhà do HTX 8/3 đang sử dụng để giao cho bà Mùi, vì vậy nhà và đất thuộc quyền sở hữu và sử dụng của bà Mùi. Hợp đồng mua bán giữa anh Thắng và vợ chồng bà Mùi vì thế là hợp pháp. Tòa Dân sự đã tuyên hủy bản án phúc thẩm và giao cho TAND tỉnh Cao Bằng xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Đến hơn 2 năm sau, ngày 26/12/2005, TAND tỉnh Cao Bằng mới mở phiên phúc thẩm (lần 2). Đặc biệt là Tòa vẫn “cương quyết” giữ nguyên quan điểm ngôi nhà là của cụ Khình chứ không phải của bà Mùi nên tuyên hợp đồng vô hiệu, trái với quyết định của tòa cấp trên. Cũng bởi thế, Chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm (lần 2) của TAND tỉnh Cao Bằng. Ngày 16/3/2009, Tòa Dân sự TAND Tối cao lại xét xử giám đốc thẩm (lần 2) và một lần nữa bản án phúc thẩm (lần 2) của TAND tỉnh Cao Bằng lại bị hủy, đồng thời án sơ thẩm cũng bị hủy để xét xử lại từ đầu.

Ngày 30/9/2009, TAND thị xã Cao Bằng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm (lần 2). Tòa đã xác định nhà đất là của vợ chồng bà Mùi nên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải hoàn trả bên mua số tiền là gần 1,5 tỷ đồng (tương ứng với giá trị đất hiện tại). Không hiểu sao, đến phiên phúc thẩm (lần 3), TAND tỉnh Cao Bằng vẫn cho rằng cấp sơ thẩm nhận định không đúng và có vi phạm thủ tục tố tụng nên tuyên hủy bản án sơ thẩm (lần 2) và giao TAND thị xã Cao Bằng xét xử lại với thành phần hội đồng xét xử khác.

Đến lần xét xử sơ thẩm thứ 3, ngày 21/12/2010, hội đồng xét xử TAND thị xã Cao Bằng mới “đồng quan điểm” với cấp tỉnh, nhận định ngôi nhà vẫn thuộc sở hữu của cụ Khình (tức là vẫn trái với Tòa Tối cao). Tòa tuyên vợ chồng bà Mùi chỉ phải thanh toán trả anh Thắng có hơn 503 triệu đồng. Được biết, với số tiền nhận được chỉ nhỉnh hơn 1/3 giá trị nhà đất đã bỏ tiền mua nên anh Thắng đã làm đơn kháng cáo.

Có thể thấy, chính việc TAND tỉnh Cao Bằng đưa ra quan điểm trái với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và TAND Tối cao đã khiến cho vụ việc bị kéo dài, lãng phí đối với cả hai bên đương sự và Nhà nước. Nếu kết thúc vào năm 2002, bên thắng và bên thua kiện đều nhận được nhà hoặc tiền tương đương, thiệt hại là không đáng kể. Nhưng qua nhiều năm bị “treo” tài sản, sự chênh lệch giá chắc chắn sẽ khiến một bên thiệt hại to lớn, thậm chí là cả hai bên. Với nguyên tắc ai có lỗi phải bồi thường, vậy trong trường hợp Tòa án sai thì sao?

Ngọc Tú