05:14 18/05/2012

Gian nan cuộc chiến với nạn 'rác tường'

Sau đợt cao điểm ra quân xoá bỏ quảng cáo rao vặt (QCRV) trên địa bàn Thủ đô chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nạn "rác tường" đã lắng xuống. Nhưng thời gian gần đây, "rác tường" lại tái diễn với các hình thức tinh vi gây bức xúc cho các cơ quan quản lý văn hoá lẫn người dân.

Sau đợt cao điểm ra quân xoá bỏ quảng cáo rao vặt (QCRV) của các đoàn thể chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn Thủ đô chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nạn "rác tường" đã lắng xuống. Nhưng thời gian gần đây, "rác tường" lại tái diễn với các hình thức tinh vi làm nhếch nhác mỹ quan đô thị và gây bức xúc cho các cơ quan quản lý văn hoá lẫn người dân.

Qua đợt kiểm tra mới đây giữa liên ngành văn hoá – thông tin cho thấy, công tác dẹp bỏ QCRV quả không dễ dàng do nó bắt nguồn từ quan hệ giữa nhu cầu cuộc sống hàng ngày người dân với miếng cơm manh áo của những người làm dịch vụ. Chính vì vậy, giải quyết hài hoà vấn đề văn minh đô thị với nhu cầu QCRV là sự bền bỉ, lâu dài và rất gian nan.

* "Rác tường" với lối đánh du kích

Ở bất kỳ ngõ ngách nào trên địa bàn Hà Nội, khi bước chân ra khỏi cửa nhà, người ra đều gặp nhan nhản những tờ QCVR dán đầy trên các bức tường, cánh cổng, tủ điện, cột điện, gốc cây. Tờ nọ dán chồng lên tờ kia như thể “bịt mắt” nhau, giành lấy khách hàng. Thậm chí, chỉ ngước mắt lên cũng thấy lơ lửng các tờ QCRV treo trên dây điện, đóng cao trên thân cây nhằm đối phó với những người đi bóc dỡ. Dọc các tuyến phố Lê Thanh Nghị (phường Cầu Dền và phường Bách Khoa), Kim Ngưu (phường Thanh Lương), ngõ Cảm Hội (phường Đống Mác) thuộc quận Hai Bà Trưng; phố Phan Kế Bính, Đào Tấn (phường Cống Vị), đường Bưởi (phường Vĩnh Phúc), Nam Cao (Giảng Võ) thuộc quận Ba Đình hay phố Trích Sài, Thuỵ Khuê (phường Bưởi) thuộc quận Tây Hồ… , tình trạng QCRV diễn ra rất phổ biến. Duy có điều, QCRV không tập trung ở các tuyến phố lớn như trước mà rút vào các ngõ nhỏ, phố nhỏ bởi địa điểm này tập trung nhiều dân cư và cũng để tránh sự phát hiện của những người có trách nhiệm.


Đến bao giờ tình trạng quảng cáo rao vặt gây mất mỹ quan đô thị như thế này mới chấm dứt? Ảnh: Minh Tú - TTXVN



Mất mỹ quan là thế, nhưng mỗi dịp huy động lực lượng ra quân, tình trạng QCRV không thể giải quyết triệt để. Các đối tượng QCRV chỉ chờ lực lượng chức năng của phường hay tổ dân phố bóc xoá xong là lại dán, sơn mới; ngang nhiên dán đè lên vết xoá cũ. Chỉ sau một đêm, các bức tường xoá hôm trước lại nhan nhản các QCRV như thách thức chính quyền địa phương. Cách thức sơn, dán, treo QCRV cũng rất tinh vi bằng một loại keo khó bóc hay treo tận lên dây điện hay cành cây cao gây khó khăn cho việc bóc dỡ. Ông Lê Thành Vinh, Phó trưởng Phòng Văn hoá Thông tin quận Hai Bà Trưng bức xúc: “Không hiểu họ treo kiểu gì mà chúng tôi đã dùng thang bóc dỡ, mãi mới gỡ xuống được vài chiếc. Mặc dù cây cao hay hệ thống dây điện có thể gây nguy hiểm nhưng các đối tượng vẫn không từ một cách thức nào”.

* Những sáng kiến dẹp nạn "rác tường"

Một biện pháp coi là mạnh nhất hiện nay là cắt số điện thoại QCRV nhằm xử lý các đối tượng QCRV. Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm tại địa phương giả làm khách hàng liên lạc với các đối tượng QCRV để có căn cứ xử phạt nhưng cũng vấp phải sự cảnh giác cao độ của đối tượng. Việc tuần tra bắt giữ, xử lý đổi tượng tổ chức dán QCRV cũng gặp khó khăn do đa phần đối tượng là trẻ em từ 10 – 13 tuổi hoặc người không có bất cứ giấy tờ tuỳ thân hay tài sản có giá trị để làm căn cứ xử lý.

Tuy vậy, nhiều quận huyện có nhiều sáng kiến hay trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động QCRV có thể áp dụng rộng rãi. Điển hình như quận Hoàng Mai trích kinh phí chi cho mỗi phường 2 triệu đồng/tháng để xóa, bóc QCRV nhằm gắn trách nhiệm thực sự của những người được hưởng kinh phí với công việc. Quận Hoàn Kiếm gắn trách nhiệm quản lý QCRV tới tận các gia đình, yêu cầu các gia đình giám sát việc dán, sơn QCRV trong khu vực gia đình mình cùng các nhà hàng xóm và lấy đó làm căn cứ xây dựng gia đình văn hoá. Những người phụ trách văn hoá của phường thường xuyên kiểm tra biển QCRV và hàng tháng bóc dỡ các tờ QCRV cũ để cho tổ chức, cá nhân khác dán vào. Quận Hai Bà Trưng giám sát công tác xoá QCRV của các phường bằng cách quay camera các khu vực chưa làm tốt, làm căn cứ yêu cầu các phường xử lý nghiêm. Tại một số phường của quận Ba Đình cũng giao công tác quản lý QCRV về khu dân cư, tổ dân phố và sắp tới Quận sẽ lồng ghép vào tiêu chí xét chọn gia đình văn hoá, khu dân cư văn. Riêng ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin quận Tây Hồ chia sẻ: “Chúng tôi vừa vận động nhân dân gìn giữ mỹ quan đô thị, vừa tích cực xử lý hành chính các đối tượng QCRV nhưng thực tế tình trạng này vẫn tái diễn. Cuộc chiến đấu này còn trường kỳ nếu chưa có những phát kiến mạnh hơn”.

Bà Vũ Thuỳ Anh, Trưởng phòng Quản lý Văn hoá, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: “Đợt kiểm tra này nhằm xử lý tình trạng QCRV làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường trên địa bàn thành phố. Sau đó, liên sở sẽ tổng hợp báo cáo thực trạng và đề xuất với thành phố đưa ra những biện pháp tích cực nhằm hạn chế tối đa tình trạng QCRV tràn lan”.

Đinh Thị Thuận