10:13 11/10/2012

Gian nan cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao

Hàng loạt những vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao với sự tham gia của nhiều đối tượng trong nước và nước ngoài bị lực lượng công an phanh phui thời gian qua cho thấy, “siêu tội phạm” công nghệ cao đang diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Hàng loạt những vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao với sự tham gia của nhiều đối tượng trong nước và nước ngoài bị lực lượng công an phanh phui thời gian qua cho thấy, “siêu tội phạm” công nghệ cao đang diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.


Thủ đoạn xảo quyệt


Qua trinh sát, Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng PC46 Công an Hà Nội phát hiện tại một số cửa hàng có thanh toán bằng thẻ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên địa bàn Hà Nội xuất hiện một số giao dịch nghi vấn sử dụng thẻ tín dụng giả. Đặc điểm chung của các giao dịch này là tên chủ thẻ tín dụng không đúng với thông tin của chủ thẻ đã đăng ký tại ngân hàng.


Thủ phạm và tang vật của đường dây chuyên sản xuất thẻ tín dụng giả cực lớn trên địa bàn Thủ đô bị Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Phòng 3 C50 (Bộ Công an) điều tra, bóc dỡ vào ngày 1/9.


Từ thông tin này, Công an thành phố Hà Nội phối hợp Phòng 3 C50 (Bộ Công an) đã tiến hành điều tra, làm rõ một đường dây chuyên sản xuất thẻ tín dụng giả cực lớn trên địa bàn Thủ đô. Ngày 1/9, cơ quan công an đã bắt giữ 4 đối tượng về hành vi sử dụng trái phép thông tin thẻ ngân hàng làm giả thẻ thanh toán hàng hóa để chiếm đoạt tiền theo Điều 226B Bộ luật Hình sự.


Bọn chúng gồm: Đinh Văn Long, sinh năm 1975, ở 12 Đỗ Hạnh, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Lê Trường Xuân, sinh năm 1987, ở ngõ 76 An Dương, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ; Phạm Quỳnh Anh, sinh năm 1982, ở ngõ Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa và Phạm Ngọc Trường Giang, sinh năm 1990, ở ngõ 98 Khâm Thiên, quận Đống Đa.


Tại cơ quan công an, cầm đầu đường dây là Đinh Văn Long khai nhận: Sau khi tìm hiểu về việc sản xuất thẻ tín dụng giả trên các diễn đàn của hacker, Long lên Lạng Sơn mua các thiết bị để sản xuất thẻ tín dụng giả. Việc sản xuất thẻ giả dựa trên việc trộm cắp thông tin của các chủ thẻ tín dụng. Sau đó, Long đưa thẻ tín dụng giả cho Xuân, Quỳnh Anh và Giang, hướng dẫn các đối tượng này đến các cửa hàng bán điện thoại di động có thanh toán bằng thẻ tín dụng để mua hàng.


Các đối tượng thường chọn mua các loại điện thoại cao cấp như Iphone, Samsung Galaxy, máy tính bảng… rồi mang về đưa cho Long. Long sẽ bán những sản phẩm mua được từ thẻ tín dụng giả này để chia cho những kẻ tiêu thụ. Khám xét nơi ở của Đinh Văn Long, cơ quan công an đã thu giữ số lượng lớn tang vật gồm 72 thẻ trên có in lôgô master card, visa card của các ngân hàng, 22 thẻ master card của các ngân hàng đã có thông tin dữ liệu, 21 phôi thẻ master card, máy in thẻ, máy dập nổi tên và số thẻ… cùng rất nhiều chứng minh thư thật và giả các loại.


Trên đây chỉ là một trong những vụ án liên quan đến loại tội phạm sử dụng công nghệ cao bị phanh phui trong thời gian gần đây. Và nó phản ánh cuộc đấu tranh chống những "siêu tội phạm" này đang diễn biến phức tạp bởi thủ đoạn ngày càng tinh vi của loại tội phạm này. Trong những vụ làm "đau đầu" cơ quan công an, nổi lên là hành vi lừa đảo của Công ty mua bán trực tuyến (Muaban24) khi tổ chức này thông qua các giao dịch điện tử, các trang web quảng cáo, bán hàng trực tuyến, đa cấp trên mạng... đã lừa đảo khoảng 1.000 người dân ở khắp 32 tỉnh, thành phố trong cả nước.


Theo một chiến sĩ Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng PC46 Công an Hà Nội, đáng lo ngại là những vụ án này không giới hạn trong nước mà còn liên quan đến nước ngoài với tính chất hoạt động xuyên quốc gia. Chỉ trong vòng 11 ngày, một nhóm tội phạm người Việt Nam và Trung Quốc sử dụng công nghệ cao để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng tại các ngân hàng rồi sử dụng máy ghi lên thẻ thanh toán. Với thủ đoạn tinh vi đó, bọn chúng đã thực hiện trót lọt hơn 1.500 lượt giao dịch mua hàng với tổng số tiền lên tới 15 tỷ đồng của 34 ngân hàng trong nước và thế giới. Vụ việc chỉ bị lật tẩy khi Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội nhận được yêu cầu kiểm tra, dừng thanh toán của tổ chức thẻ quốc tế AG và khiếu nại của 40 chủ thẻ về việc họ bị mất tiền trong tài khoản.


Cần sớm "vá" những lỗ hổng


Lật lại những trang hồ sơ vụ án tội phạm công nghệ cao cho thấy, việc đảm bảo an ninh mạng máy tính hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trước loại tội phạm công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, như: Đột nhập vào hệ thống máy tính của các công ty, ngân hàng để đánh cắp dữ liệu khách hàng, từ đó làm giả thẻ tín dụng để rút tiền, hoặc ra lệnh giả để chuyển tiền, lắp đặt thiết bị tại máy ATM để sao chép, trộm cắp dữ liệu, thông tin thẻ tín dụng, sau đó làm giả thẻ để rút tiền, người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả để mua hàng hóa hoặc thanh toán các loại dịch vụ tại Việt Nam. Thậm chí, một số nhân viên tại các ngân hàng sau khi thôi việc đã sử dụng tài khoản (được cấp trong thời gian làm việc) để trộm cắp, thay đổi thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm rút và chiếm đoạt tiền.


Nhưng đáng lo ngại hơn, dù chưa phát triển nhiều về hệ thống công nghệ thông tin nhưng Việt Nam cũng không tránh khỏi hàng loạt các vụ tấn công thông qua mạng Internet. Mà làn sóng tấn công trong thời gian qua, từ virút tình yêu, virút mật mã đỏ, virút Ninda.... đến 156 trang web của VDC bị tấn công hàng loạt vào cuối năm 2001 đã cho thấy mối quan ngại đó. "Chắc chắn, trong tương lai sẽ còn những cuộc tấn công với khả năng còn mạnh hơn thế. Vì vậy, hệ thống mạng máy tính thuộc lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, các mạng máy tính của các cơ quan Chính phủ, bộ, ban, ngành cũng như của các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị đối phó trước các cuộc tấn công từ xa. Phải tránh mọi thiệt hại về lộ bí mật. Nếu không sẽ rất khó ước tính thiệt hại do tội phạm công nghệ cao gây ra"- ông Dương Tuấn Nghĩa, một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng cho biết.


Luật sư Phạm Hùng Thắng, đoàn luật sư Thanh Hóa cũng cho biết: Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang ngày càng hoạt động tinh vi và mức độ, hậu quả là khó lường. Vì vậy mà chống tội phạm công nghệ cao đòi hỏi sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành. Nhưng công tác này lại đang gặp phải những vướng mắc từ Bộ luật Hình sự. Hiện chỉ 3 điều luật điều chỉnh những hành vi vi phạm trong lĩnh vực tội phạm công nghệ cao: Điều 224: Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virút tin học. Điều 225: Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử. Điều 226: Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy vi tính. Trong khi đó, thủ đoạn dùng máy tính được sử dụng như một công cụ để gây án, để lưu giữ thông tin tội phạm, như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, rửa tiền, buôn bán ma túy, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy... thì lại chưa có điều luật nào quy định. Do đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng sơ hở này để phạm tội. Cho nên cần bổ sung những điều luật về phòng chống tội phạm công nghệ cao vào Bộ luật Hình sự.


"Vỏ quýt dày có móng tay nhọn"


Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam đang diễn ra phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, cho rằng: Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam cũng diễn ra phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ tính riêng vụ lừa đảo qua mạng Internet dưới hình thức kinh doanh đa cấp, cơ quan công an phát hiện tại Hà Nội, đối tượng đã lừa đảo khoảng 87.000 lượt người với số tiền lên đến 678 tỷ đồng.


Liên quan đến loại hình tội phạm công nghệ cao này, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, tội phạm mạng đang hoạt động có tổ chức tiếp tục gia tăng, tập trung vào việc tìm cách vượt qua hệ thống kiểm soát an ninh, thay đổi một số nội dung trên các trang điện tử thương mại, chứng khoán để trục lợi, đánh cắp mã số thẻ tín dụng hoặc tống tiền các nhà cung cấp dịch vụ.


Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trước tình hình này để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mạng, Bộ có phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường quản lý nhà nước về an toàn an ninh thông tin. Bộ cũng tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý các vi phạm trên lĩnh vực Internet và quản lý hạ tầng thông tin. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh rằng, Bộ đang kiến nghị Quốc hội sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật An ninh thông tin để làm cơ sở hành lang pháp lý cho việc triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và đấu tranh phòng chống tội phạm mạng trong thời gian sắp tới.


Đáng chú ý, mới đây, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, Công ty cổ phần Công nghệ An Ninh Toàn Cầu thành lập để triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ và cảnh báo an ninh cho các tổ chức và cá nhân trong nước, đáp ứng nhu cầu bảo vệ tài sản của người dân. Đồng thời, góp phần cùng lực lượng công an phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội.



Bài và ảnh: Hạnh Quỳnh