11:22 13/11/2015

Giảm thuế là cơ hội để giảm chi phí sản xuất

Theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, có tới gần 100% các dòng thuế sẽ bị xóa bỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường hàng hóa trong nước, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.


Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (ảnh) - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, việc giảm thuế theo các cam kết TPP sẽ có tác động ra sao tới các doanh nghiệp (DN) Việt Nam?

Chúng ta muốn đánh giá sát tác động của các cam kết TPP đối với các DN và thị trường nội địa cần xem xét nhiều khía cạnh. Việc giảm thuế xuất nhập khẩu là cơ hội để DN giảm chi phí sản xuất, qua đó sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, xuất khẩu. DN nên tận dụng cơ hội này giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, cơ hội từ hội nhập không chỉ đến từ việc giảm thuế xuất nhập khẩu.mà còn phụ thuộc vào thị trường cạnh tranh toàn cầu. Do đó, DN nên chủ động tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu cũng như thị trường nội địa. Do DN việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ nên cần có liên kết trong nhóm DN cùng ngành nghề để hình thành các doanh nghiệp đủ tầm mức để tạo “sức nặng” cần thiết chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

Theo Bộ Tài chính, khi tham gia TPP, nguồn thu thuế nhập khẩu bị giảm nhưng thu ở các lĩnh vực khác sẽ tăng. Mặt khác thuế nhập khẩu giảm sẽ là cơ hội để giảm chi phí sản xuất. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Tác động của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) kiểu mới cũng như TPP có thể làm giảm nguồn thu trực tiếp ở một số mặt hàng xuất nhập khẩu. Nhưng việc giảm thuế sẽ kích thích luân chuyển hàng hóa, làm cho hoạt động sản xuất và kinh doanh trong nước sẽ phát triển, sôi động hơn. Không chỉ Bộ Tài chính mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các chuyên gia kinh tế cũng đề xuất, cần chủ động đề xuất điều chỉnh các chính sách thuế, phí, lệ phí, các tiêu chuẩn kỹ thuật và hàng loạt các chính sách khác nhau để chủ động ứng phó với hội nhập quốc tế.

Đối với ngân sách, để bù đắp nguồn thu thuế nhập khẩu giảm, cần tái cơ cấu mạnh mẽ cơ cấu thu và chi theo hướng minh bạch và hiệu quả để có nguồn thu bền vững. Cần lưu ý, chính sách khoan sức dân, chú trọng giảm thuế để kích thích DN phát triển cũng là một cách để tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Do đó, mỗi lần điều chỉnh chính sách thuế, hãy lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn.

Thuế nhập khẩu ô tô tại Việt Nam sẽ giảm dần theo lộ trình TPP, song một số ý kiến cho rằng, giá ô tô khó giảm mạnh vì thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhận định này có hợp lý không, thưa ông?

Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô cũng là một nguồn thu lớn của ngân sách. Vì thế, cần có nghiên cứu thấu đáo để có lộ trình giảm thuế với ô tô thích hợp. Riêng với ô tô hạng sang, dù TPP có lộ trình giảm thuế thì theo tôi vẫn nên giảm chậm nhất có thể. Việc điều tiết thu nhập của người có thu nhập cao, rất cao lúc này là cần thiết không chỉ vì thu ngân sách mà còn tạo ra sự cân xứng “mềm”, phát triển giữa “lợi ích” thu được trong kinh doanh và “nghĩa vụ” đóng góp cho quốc gia với các lợi ích kinh tế mà cá nhân có được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Minh Phương ((thực hiện))