05:00 12/05/2012

Giảm thuế, kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn

Tổng giá trị gói kích thích mà Bộ Tài chính công bố trong năm nay để “giải cứu” doanh nghiệp là 29.000 tỷ đồng. Đây được xem là nỗ lực của Chính phủ cũng như Bộ Tài chính trong việc giải quyết hàng tồn đọng của doanh nghiệp.

Tổng giá trị gói kích thích mà Bộ Tài chính công bố trong năm nay để “giải cứu” doanh nghiệp là 29.000 tỷ đồng. Đây được xem là nỗ lực của Chính phủ cũng như Bộ Tài chính trong việc giải quyết hàng tồn đọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng như đại diện một số Hiệp hội ngành hàng đã chia sẻ: Thay vì việc giãn thuế giá trị gia tăng (VAT) thì nên giảm thuế VAT, vì như vậy sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá bán, kích thích được nhu cầu tiêu dùng trong xã hội.

 

Sức mua giảm


Ông Nguyễn Tiến Thỏa- Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Những tháng đầu năm nay, khó khăn trong tăng trưởng kinh tế đã tác động tới giá cả tương đối rõ. Trong đó thể hiện ở sức mua của dân cư (được tính thông qua tổng mức khối lượng bán lẻ) tăng thấp trong 4 tháng đầu năm.

 

Xi măng cũng là mặt hàng có số lượng tồn kho lớn. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 762,15 nghìn tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ (nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng được đánh giá là khá thấp. Theo ông Thỏa, suy giảm cầu là yếu tố quan trọng nhất dẫn tới nhiều sản phẩm đang tồn kho, khó tiêu thụ. Thời gian qua, giá một số mặt hàng đã giảm như: Giá gas, giá nông sản, giá phân bón…, tuy nhiên yếu tố này không tác động nhiều đến sức mua của thị trường trong nước…


Tính chung 4 tháng, lượng tiêu thụ than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ước đạt gần 13 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ. Không chỉ tiêu thụ trong nước chững lại, lượng than xuất khẩu cũng chỉ đạt 3,9 triệu tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Than tiêu thụ chậm nên tồn kho tăng cao, đặc biệt tại các kho cảng. Tính đến cuối tháng 4, theo báo cáo thì lượng than tồn ước khoảng 8,38 triệu tấn, trong đó than thành phẩm là 5,97 triệu tấn.


Theo Bộ Công Thương, ngành cơ khí, điện, điện tử do chịu sự tác động từ những khó khăn chung của nền kinh tế, nên mặc dù đã bước sang mùa nắng nóng nhưng thị trường điện máy chưa có dấu hiệu khởi sắc nhiều. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ điện máy đã nỗ lực mở mạng lưới bán hàng ở các tỉnh với hy vọng tăng doanh số. Tuy nhiên, trong tháng 4/2012 sức mua của nhóm hàng điện máy tại các tỉnh vẫn giảm khoảng 10 - 20% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, điều hòa nhiệt độ giảm 69,4%, tủ lạnh, tủ đá giảm 3,5%.

 

Cần giảm thuế, kích cầu tiêu dùng

 

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể trong năm 2011 và quý I/2012 là 8,4% (trong đó ngừng sản xuất là 4,3%, giải thể là 4,1%). Trong đó chỉ có 17% trong số các doanh nghiệp giải thể tiến hành chuyển đổi ngành nghề, mua bán sáp nhập hay thành lập mới. Trong quý I/2012, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều có chiều hướng xấu đi, đặc biệt về lợi nhuận, doanh số, hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng máy móc cũng như số lượng lao động.


Trước những khó khăn này, Bộ Tài chính đã đưa ra gói giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong gói giải pháp này có đề xuất việc giãn thuế VAT (số thuế lẽ ra phải nộp trong quý II/2012 sẽ được giãn thêm 6 tháng); giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và đại diện một số hiệp hội đều đề xuất nên giảm trực tiếp thuế VAT.


Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhóm giải pháp vừa đưa ra thực tế chỉ giải quyết được một số vấn đề. Khoản 4.000 tỷ đồng miễn thuế cho doanh nghiệp hay 1.000 tỷ đồng cho thủy lợi có tác dụng thực sự, còn khoản 16.000 tỷ đồng giãn thuế thực chất sau đó vẫn thu. Vì vậy theo ông Kiêm, “những doanh nghiệp yếu kém triền miên thì có thể để vậy nhưng doanh nghiệp chỉ do khó khăn chung, không trực tiếp gây ra thiệt hại thì nên cứu. Khi họ gượng lại thì có thể phát triển đi lên, cơ sở vật chất không bị lãng phí, người lao động mới có việc làm”.


Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng: Giảm thuế sẽ thực sự có ý nghĩa bởi nếu chỉ giãn thuế, giá thành sẽ không hạ nhiều để tạo sức mua cho người dân mà thậm chí tới cuối năm có thể còn tăng lên một chút. Theo ông Ánh, hiện nay giải pháp cần làm là giúp doanh nghiệp giảm hàng tồn kho. Để làm được điều này thì một là tăng khả năng thanh toán, tăng tiền thu nhập cho người dân để tăng chi tiêu dùng; đồng thời cải thiện tâm lý của người tiêu dùng vì có thể tăng tiền nhưng họ lại không tiêu dùng mà siết chặt chi tiêu. Hai là tìm xem tại sao người dân không tăng tiêu dùng? Một trong những nguyên nhân đó là do giá, do đó bây giờ là lúc phải tác động vào giá.


Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết thêm: Việc tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào là cần thiết, nhưng chưa đủ mà phải kích cầu nữa. Có thể bằng nhiều biện pháp như tăng thu nhập, giảm thuế thu nhập và chính sách tài chính như khuyến khích cho vay để kích cầu tiêu dùng. Đây là điều kiện để thông thoáng thị trường, tránh áp lực tồn kho của doanh nghiệp. Ông Long cho rằng: Để giải quyết hàng tồn kho, bản thân doanh nghiệp phải có hình thức khuyến mãi, tuyên truyền để kích cầu tiêu dùng.


Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội bày tỏ: Nhà nước cần giảm thuế VAT, ít ra là áp dụng hết năm nay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Với việc áp trần lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước nên áp dụng cho tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ giới hạn trọng 4 lĩnh vực như hiện nay.


Minh Phương