02:00 01/02/2016

Giảm thời gian đào tạo, vẫn đảm bảo chất lượng

Trong Dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ có nội dung giảm thời gian đào tạo đại học từ 4-6 năm xuống còn 3 - 4 năm. Tuy nhiên có nhiều ý kiến băn khoăn về việc giảm thời lượng học như vậy liệu có làm giảm chất lượng đào tạo.

Tiệm cận dần với đào tạo trên thế giới

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Bùi Văn Ga, Dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được xây dựng trên cơ sở tham khảo thực tiễn tổ chức hệ thống giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Nội dung dự thảo nêu rõ, kể từ khi học sinh tốt nghiệp THPT, thì thời gian đào tạo để đạt trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ theo thứ tự là 3 năm, 5 năm và 8 năm. Khung cơ cấu hệ thống này là định hướng, để theo đó các chương trình đào tạo cũ sẽ dần phải điều chỉnh. Những chương trình mới sẽ cố gắng xây dựng một cách tinh túy, thiết thực để rút ngắn thời gian. Việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình và lộ trình thực hiện thời gian đào tạo theo Khung cơ cấu hệ thống, sẽ do các trường chịu trách nhiệm. Các trường sẽ phải căn cứ vào yêu cầu của ngành đào tạo và các quy định của pháp luật, xác định thời gian đào tạo và lộ trình phù hợp để giảm tải chương trình đào tạo còn từ 3 đến 4 năm...

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đang thí điểm chương trình đại học 3 năm.

Để chuẩn bị cho việc này, Bộ GD- ĐT đã và đang xây dựng khung pháp luật là Khung trình độ quốc gia; Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo; Chuẩn đầu ra theo chuẩn năng lực nghề nghiệp và các điều kiện thực hiện chương trình… làm cơ sở cho các trường thống nhất thực hiện.

Băn khoăn về chất lượng

Hiện nay các trường đại học đang đào tạo với thời gian từ 4 - 6 năm. Nhưng ở nhiều ngành, sinh viên tốt nghiệp đi làm vẫn luôn phải đào tạo lại. Nên nếu thời gian đào tạo rút ngắn xuống còn 3 năm, liệu nguồn nhân lực có đáp ứng được với yêu cầu của xã hội? Đây là lo lắng chung của nhiều chuyên gia.

Ông Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cho biết: “Trong dự thảo, thời gian đào tạo bậc đại học giảm từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 4 năm, Liệu giáo dục Việt Nam đã đủ điều kiện để chuyển sang đào tạo đại học 3 năm chưa? Hiện môn Mác - Lênin và thể dục thể thao đã chiếm 1/3 tổng thời gian đào tạo, nếu giữ nguyên chương trình đào tạo như vậy, thời gian 3 năm sẽ không đủ để các trường đào tạo một chuyên gia bậc đại học. Bên cạnh đó, đối với trường y, sẽ thực hiện đào tạo như thế nào? Hiện nay đào tạo bác sĩ ít nhất là 6 năm, thậm chí có nước 10 năm. Như các nước Mỹ, Australia, Anh… sinh viên muốn học ngành y phải học 4 năm ở một trường đại học bình thường, sau đó học thêm 6 năm ở các trường đào tạo ngành y. Trước mắt, Bộ GD - ĐT cần quan tâm đến mục tiêu đào tạo phải có sự đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục. Nếu không thay đổi được tâm lý xã hội là học để có bằng cấp, tư tưởng chạy theo bằng cấp, thì tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp vẫn cao. Việc này sẽ không thực hiện được mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục”.

Còn PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) thì cho biết: “Thực tế trong giáo dục hiện hành, học sinh đang phải học nhiều môn không cần thiết. Giáo trình đã quá cũ kỹ so với tốc độ phát triển hiện nay. Điều này khiến học sinh không hứng thú. Ở một số môn, phương pháp giảng dạy, cùng với những kiến thức hàn lâm và việc học để thi khiến học sinh không thấy hấp dẫn. Trường nên để các em tự nghiên cứu tài liệu, thay vì bỏ thời gian ở giảng đường với những bài giảng lý thuyết. Vì thế việc rút bớt thời gian học cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, làm như thế nào thì cần được vạch rõ ràng để có được hiệu quả”.

Về vấn đề này, GS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định: Việc rút ngắn thời gian đào tạo không đồng nghĩa với cắt giảm khối lượng kiến thức cần thiết, hay giảm chất lượng đào tạo. Nếu chương trình đào tạo được xây dựng chọn lọc tinh túy, bám sát yêu cầu của thị trường lao động, cùng với đó là phương pháp đào tạo đổi mới, gắn với quy trình sử dụng lao động, đảm bảo chuẩn đầu ra theo chuẩn năng lực nghề nghiệp, người học có động cơ, thái độ học tập đúng đắn và giảng viên làm việc nghiêm túc… thì việc rút ngắn thời gian đào tạo, không những vẫn đảm bảo chất lượng, mà còn tiết kiệm cho xã hội. Ở Việt Nam, đã có một số trường đào tạo và cấp bằng cử nhân trong 3 năm như ĐH Anh Quốc Việt Nam, trường RMIT Việt Nam. ĐH trong nước như ĐH Việt Đức và Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội hiện đã thực hiện đào tạo theo khung thời gian này. Từ kết quả này cho thấy, rút ngắn thời gian đào tạo ĐH không còn chuyện đáng lo nữa.


Lê Vân