08:07 03/08/2016

Giảm thời gian cấp phép xây dựng

Ông Bùi Trung Dung (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) đã trả lời phỏng vấn báo Tin Tức về những giải pháp thực hiện Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành xây dựng.

Thưa ông, mới đây Ngân hàng Thế giới cho biết thời gian cấp phép xây dựng tại Việt Nam kéo dài đến 166 ngày, trong khi theo quy định chỉ 30 ngày. Bộ Xây dựng lý giải như thế nào về vấn đề này?


Chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Thế giới và được biết con số Ngân hàng Thế giới đưa ra là kết quả khảo sát một doanh nghiệp (DN) nước ngoài xin thủ tục dựng một nhà kho tại TP Hồ Chí Minh. Họ cộng dồn cả công tác chuẩn bị đầu tư của chủ đầu tư như nộp hồ sơ, thiết kế, thẩm tra thiết kế, thủ tục đất đai, nghiệm thu... Thực chất, thời gian cấp phép xây dựng của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh là khoảng 70 ngày.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 15/2016/TT - BXD ngày 30/6/2016 hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng được quy định cụ thể cho từng loại công trình theo hướng đơn giản và dễ thực hiện; quy định việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông khi cấp giấy phép xây dựng; chủ đầu tư, người dân chỉ cần gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đến cơ quan cấp giấy phép xây dựng.

Thực tế, qua kiểm tra tại một số thành phố lớn như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội... thì tổng thời gian cấp phép xây dựng hiện khoảng 30 - 35 ngày. Chúng tôi phấn đấu thời gian tới sẽ giảm còn 25 - 30 ngày.

Thưa ông, một số vướng mắc trong quá trình cấp phép xây dựng đã được chỉ ra tại Nghị quyết 19 của Chính phủ như cấp giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết trong khi các địa phương lại chưa có quy hoạch chi tiết hoặc chưa có đầy đủ quy chế quản lý quy hoạch; yêu cầu về bản vẽ thiết kế xây dựng trong Hồ sơ cấp phép xây dựng... Các quy định này làm kéo dài thời gian cấp phép và tăng chi phí cho DN. Ý kiến của Bộ về vấn đề này như thế nào?

Công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch là rất cần thiết, đặc biệt tại các đô thị. Tuy nhiên việc lập quy hoạch và quản lý quy hoạch tại các địa phương còn khác nhau. Một số khó khăn hiện nay như nguồn lực để lập quy hoạch chi tiết còn thiếu, việc lập quy hoạch chi tiết không theo kịp tốc độ phát triển. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay mới có khoảng 30% địa phương có quy hoạch chi tiết. Trước thực trạng này, Bộ đã ban hành chỉ thị hướng dẫn việc lập quy chế quản lý đô thị để làm cơ sở cấp phép xây dựng.

Mặt khác, việc yêu cầu bản vẽ thiết kế xây dựng được thẩm định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng là phù hợp bởi chủ đầu tư không phải lúc nào cũng có đủ năng lực thẩm định công trình. Theo Thông tư 15/2016, đối với thiết kế xây dựng công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, thành phần bản vẽ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng chỉ yêu cầu bản sao một số bản vẽ đã được thẩm định này. Đây là một giải pháp nhằm đơn giản hóa hồ sơ bản vẽ thiết kế và chi phí của DN.

Cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép là mong mỏi của cộng đồng DN và điều này đã được Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết 19. Bộ Xây dựng sẽ có giải pháp gì để thực hiện những chỉ đạo này?

Để triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã thống nhất rà soát toàn bộ thủ tục đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực của mình. Bộ đã báo cáo Chính phủ một số nội dung: Đối với các công trình xây dựng đã có quy hoạch 1/500, các công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn kiểm soát về thiết kế kĩ thuật và có sự giám sát trong quá trình triển khai thì không cần cấp giấy phép xây dựng. Các công trình của các cơ quan trung ương như Viện kiểm soát, Tòa án tối cao, các cơ quan ngang bộ... thì cũng không cần xin giấy phép xây dựng. Bộ đã ban hành Thông tư 18 về thẩm tra thiết kế, phân cấp một số đối tượng công trình do các Sở Xây dựng địa phương trực tiếp thẩm tra để đẩy nhanh tiến độ cấp phép.

Việc phối hợp với các bộ ngành khác để thống nhất các quy định về phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường sẽ được thực hiện như thế nào?

Trong bộ thủ tục về giấy phép xây dựng thì vướng nhất là đất đai. Đến nay vẫn chưa minh bạch hóa được bộ thủ tục đất đai trong lĩnh vực xây dựng. Mặc dù Luật Xây dựng 2014 đã quy định chỉ cần có đất sử dụng hợp pháp là có thể tiến hành xây dựng nhưng thế nào là đất hợp pháp thì chưa rõ. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang xây dựng Nghị định về bộ thủ tục đất đai, đã dự thảo xong và trình sang Bộ Tài nguyên Môi trường xin ý kiến, sau đó còn xin ý kiến các địa phương trước khi trình Chính phủ.

Thứ hai, đối với các quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy và môi trường của các công trình xây dựng, hiện nay liên thông giữa Luật Môi trường và Luật Phòng cháy chữa cháy đang gặp khó khăn. Ví dụ như thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng theo luật Xây dựng là tối đa 30 ngày nhưng Luật Môi trường hay Phòng cháy chữa cháy lại lên đến 45 - 50 ngày. Do đó Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ để sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp cùng Bộ Công an xây dựng quy chế phối hợp về quản lý phòng cháy, chữa cháy và quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Hoàng Dương