11:10 20/11/2018

Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai từ Hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét

Trận lũ khủng khiếp ngày 27/7/1991 trên sông Nậm Pàn qua thị trấn huyện Mai Sơn và sông Nậm La, khu vực thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La làm 37 người chết; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng của nhà nước và nhân dân tại vùng lũ xảy ra bị phá hủy.

Năm 1998, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (nay là Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia) đã triển khai xây dựng Hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét trên lưu vực Nậm La -Nậm Pàn để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ quét cho thành phố Sơn La, thị trấn Mai Sơn; do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc quản lý và vận hành.

Hệ thống đầu tiên sử dụng công nghệ đo, truyền tự động

Trưởng phòng Mạng lưới trạm và Thông tin khí tượng thủy văn - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc Trịnh Quốc Dũng cho biết: Là hệ thống đầu tiên trong ngành Khí tượng Thủy văn sử dụng công nghệ và thiết bị đo, truyền tự động nên kinh nghiệm trong việc xây dựng, lựa chọn thiết bị cho các trạm cũng còn một số khó khăn và hạn chế nhất định.

Chú thích ảnh
Nước trên sông, suối tại nhiều địa phương huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai dâng cao gây sạt lở, lũ quét, tàn phá nhiều nhà cửa, công trình, cây cối hoa màu của người dân. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Tại thời điểm triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo lũ trên lưu vực Nậm La-Nậm Pàn”  năm 1998 - 2000, hệ thống cơ sở hạ tầng của mạng viễn thông di động chưa phát triển, vì vậy việc truyền nhận số liệu của hệ thống trạm bằng vô tuyến sóng ngắn trên băng UHF.

Do đặc thù địa hình miền núi, để truyền số liệu của các trạm đo về Đài phải qua các trạm lặp Repeater và trạm chủ Milos 500, trong khi vị trí xây dựng, lắp đặt các trạm lặp Repeater đều ở trên đỉnh núi, là điểm cao đặc trưng cho khu vực đặt trạm.

Hệ thống ban đầu gồm 11 trạm đo, 4 trạm Repeater, trạm chủ Milos 500 và Trung tâm xử lý số liệu đặt tại khu vực Văn phòng Đài; trong đó lưu vực sông Nậm La có 3 trạm thủy văn, 2 trạm đo mưa.

Lưu vực sông Nậm Pàn có 3 trạm thủy văn, 3 trạm đo mưa. Thời kỳ triển khai xây dựng chưa có dịch vụ truyền sóng GMS, nên dùng giải pháp truyền bằng sóng Radio trên băng UHF, giải tần 400 - 430MHz, công suất thu phát của Modem 5W. Chế độ đo và truyền tin: Các trạm thủy văn, đo mưa được đặt chế độ tự động đo, truyền số liệu 5 phút/lần.

Phương thức truyền bằng vô tuyến có ưu điểm là đường truyền độc lập không phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ, ổn định, ít bị nhiễu. Nhược điểm là ngoài các trạm thủy văn đo mưa phải xây dựng thêm 4 trạm Repeater và 1 trạm chủ Milos 500.

Các trạm đều phải đặt trên núi cao nên công tác xây dựng trạm, xây dựng hệ thống chống sét cho thiết bị, công tác bảo dưỡng và công tác bảo vệ các trạm gặp nhiều khó khăn. Đã từng có 2 trạm bị sét đánh hỏng hoàn toàn thiết bị là Trạm Repeater Hùm beo (năm 2005) và Trạm Thủy văn Hát Lót (năm 2006).

Phần mềm quản lý và khai thác số liệu do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chuyển giao. Do phần mềm khai thác số liệu bị lỗi, ngày cuối tháng phải can thiệp trực tiếp mới thu được số liệu của các trạm gửi về.

Từng bước hiện đại hóa

Sau 17 năm hoạt động, nhu cầu được nâng cấp thiết bị, phương thức truyền số liệu của Hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét trên lưu vực Nậm La-Nậm Pàn rất cấp bách do thiết bị của hệ thống sử dụng của hãng Vaisala Phần Lan với các thiết bị được sản xuất từ những năm 1997-1999 hiện đã xuống cấp.

Suy hao công suất, hỏng hóc thường xuyên, số liệu đo đạc kém chính xác do bộ tự động điều khiển đo đạc và tổng hợp dữ liệu Datalogger hoạt động đã lâu, sửa chữa thay thế linh kiện nhiều lần, một số trạm đã ngừng hoạt động vì không có thiết bị để thay thế.

Trước yêu cầu thực tế, ngày 23/10/2017, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành Quyết định số 431 phê duyệt điều chỉnh dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét lưu vực Nậm Pàn-Nậm La.

Theo đó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc đã thực hiện việc nâng cấp thiết bị và phương thức truyền số liệu của cho 12 trạm thủy văn và đo mưa, thuộc Hệ thống các trạm đo truyền số liệu tự động lưu vực Nậm La-Nậm Pàn.

Sử dụng cơ sở hạ tầng các trạm hiện có để lắp đặt nâng cấp thiết bị Datalogger, đầu đo mực nước và đo mưa; chuyển đổi phương thức truyền số liệu bằng dịch vụ mạng thông tin di động GSM/GPRS thay cho hệ thống sóng ngắn UHF đang sử dụng hiện nay, nhằm tăng cường phục vụ công tác dự báo, chuyên môn của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc, đồng thời phù hợp chủ trương tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc của ngành.

Nâng cao khả năng phòng chống thiên tai

Từ khi đưa Hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét trên lưu vực Nậm La-Nậm Pàn vào hoạt động năm 2001, công tác dự báo, cảnh báo lũ quét cho thành phố Sơn La, thị trấn Mai Sơn của tỉnh Sơn La, công tác cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét phục vụ phòng chống thiên tai và tham mưu cho các cấp lãnh đạo chủ động trong công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai đã mang lại hiệu quả rất lớn, đặc biệt là giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong các đợt lũ trên lưu vực.

Minh chứng là trận lũ ngày 26/9/2008, lũ quét xảy ra đồng thời tại nhiều nơi thuộc thành phố Sơn La và thị trấn Mai Sơn. Mực nước đỉnh lũ tại thành phố Sơn La ở cấp báo động III, mực nước đỉnh lũ tại cầu Hát Lót - thị trấn Mai Sơn tương đương đỉnh lũ ngày 27/7/1991.

Song các bản tin về tình hình mưa, lũ do Đài cấp kịp thời và sát với thực tế nên đã góp phần giảm thiệt hại về người, tài sản và gia súc ở mức thấp nhất. Tại cả hai khu vực, số người chết là 5 người (trong đó 2 chết người do sạt lở đất đổ nhà, 3 chết người do lũ), so với năm 1991 số người chết giảm 32 người.

Mới đây nhất, từ ngày 28 - 30/8/2018, trên lưu vực Nậm Pàn xuất hiện 1 đợt lũ đặc biệt lớn với biên độ 3,57m, mực nước đỉnh lũ cao nhất đo được 517,28m xuất hiện lúc 16 giờ 40 phút ngày 30/8; vượt ngưỡng mực nước lũ lịch sử tháng 9/2008 (516,77m) là 0,51m.

Tại huyện Mai Sơn, mưa lớn trong nhiều giờ khiến mực nước trên suối Nậm Pàn lên nhanh, làm ngập nhiều khu dân cư sinh sống hai bên bờ suối, hàng trăm hộ dân đã phải di dời khẩn cấp. Dọc tuyến Quốc lộ 6 chạy qua địa bàn huyện có hàng chục điểm sạt lở, ngập nặng hơn 1m. Tuyến đường từ huyện đi các xã: Nà Ớt, Tà Hộc, Chiềng Ve, Nà Bó, Chiềng Sung bị cô lập trong nhiều giờ.

Nhưng nhờ Hệ thống các trạm đo thuộc lưu vực Nậm Pàn cung cấp số liệu kịp thời phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai tại huyện Mai Sơn nên UBND huyện và các xã đã chủ động di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, chỉ duy nhất có 1 người chết do bắt cá ven suối.

Tuy vậy, theo ông Phạm Thành Long, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc, để Hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét trên lưu vực Nậm La-Nậm Pàn hoạt động ổn định, công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật phải được Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiến hành thường xuyên hơn, đồng thời mở lớp đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực đảm nhận được nhiệm vụ quản lý các trạm.

Để hệ thống các trạm tự động nói chung, Hệ thống các trạm đo truyền số liệu tự động Nậm La-Nậm Pàn nói riêng hoạt động ổn định, cần có kế hoạch cụ thể để duy trì hệ thống hàng năm, đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ 2 lần/năm cũng như kinh phí mua sắm thiết bị thay thế thường xuyên, đột xuất, kinh phí đường truyền, kinh phí trông coi bảo vệ trạm và thiết bị dự phòng.

Đài rất cần được tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn như Trung tâm Quan trắc khí tượng, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia để khai thác tốt hơn nữa Hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét trên lưu vực Nậm La-Nậm Pàn.

Văn Hào (TTXVN)