08:08 03/08/2019

Giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp

Sau thời gian dài đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Sự kiện quan trọng này sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam cũng như các nước thành viên của EU. Đối với ngành dệt may và da giày, Hiệp định EVFTA được đánh giá sẽ có tác động tích cực đối với hai ngành hàng này của Việt Nam theo lộ trình cam kết trong Hiệp định.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất giày, dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Midori Safety Footwear Việt Nam, tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Bộ Công Thương, sau khi ký kết, Hiệp định EVFTA cần được phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP) trước khi có hiệu lực.  Do đó, để thúc đẩy sớm quá trình phê chuẩn EVFTA và giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội và giảm thiểu rủi ro khi tham gia Hiệp định, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, ngay sau khi EVFTA được ký kết, các đơn vị chức năng tiếp tục trao đổi, vận động phía EU trong các hoạt động làm việc, tiếp xúc song phương với Phái đoàn liên minh EU tại Việt Nam cũng như đối tác từ các nước thành viên EU.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường EU cho cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư… và các bên có liên quan để nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nội dung cam kết, những cơ hội cũng như thách thức về EVFTA. Việc thông tin sẽ tập trung vào tập huấn cho các cán bộ quản lý nhà nước trực tiếp triển khai các nội dung, lĩnh vực, cam kết trong Hiệp định để họ hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc triển khai Hiệp định có hiệu quả.

Đồng thời, Bộ cũng tăng cường cập nhật, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, các cơ quan chức năng có liên quan của EU, cộng đồng doanh nghiệp EU để dự đoán, xác định được những tồn đọng, vướng mắc, rào cản trong quá trình triển khai Hiệp định nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ các vấn đề phát sinh.

Cùng với đó, Bộ cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường quốc tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có nhiều hơn nữa cơ hội tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, diễn đàn doanh nghiệp ở thị trường các nước thành viên EU...

Ông Tạ Hoàng Linh cũng đưa ra khuyến cáo, Hiệp định EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất. Tuy nhiên, bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể hưởng được mức ưu đãi thuế quan của EVFTA.

Với ngành da giày, theo nhận định của Bộ Công Thương, sau khi EVFTA có hiệu lực nhiều khả năng sẽ có làn sóng dịch chuyển sản xuất ngành da giày từ nước ngoài sang Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp da giày Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, nắm chắc các quy định, yêu cầu pháp lý của EU để trước tiên tuân thủ đúng quy định của EU và có đủ năng lực, cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ doanh nghiệp tránh bị EU áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngoài các yêu cầu của Hiệp định, các doanh nghiệp dệt may và da giày cần lưu ý ngành hàng này sử dụng nhiều hóa chất và theo Quy định của EU về hóa chất (REACH), các doanh nghiệp phải sử dụng các hóa chất có nguồn gốc, có thể truy xuất và có đánh giá tác động để đảm bảo rằng hàng hóa có thể tiếp cận thị trường EU theo ưu đãi FTA một cách thuận lợi.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu thị trường EU lớn và EVFTA được ký kết, các đơn hàng số lượng lớn sẽ dịch chuyển về Việt Nam. Trong sản xuất thì đơn hàng lớn và thời gian dài là rất tốt với doanh nghiệp dệt may và da giày. 

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, thị trường châu Âu là một trong những thị trường chính của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, để vào các thị trường trên doanh nghiệp hiện đang vướng các biểu thuế nhập khẩu tương đối cao so với các thị trường khác nên kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Nếu tính bình quân thì thuế xuất khẩu hàng dệt may sang EU khoảng 9,6%, so với Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ là 0%. Hiện tại, Hồ Gươm có nhiều khách hàng châu Âu, nhưng số lượng đơn đặt hàng bị hạn chế do vướng vào thuế suất. Vì vậy, các đầu mối châu Âu thường tập trung vào các thị trường được miễn thuế. 

Hiện, tỷ lệ doanh thu hàng dệt may của Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm xuất vào thị trường EU chiếm 35% trong tổng doanh thu. Trong vòng 7 năm tới thì các dòng thuế sẽ về 0% và điều này rất có lợi cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất vào thị trường này.

Tuy nhiên, các Hiệp định thương mại tự do bao giờ cũng có điều kiện đi kèm. Khi EVFTA có hiệu lực thì các doanh nghiệp nước ngoài cũng tận dụng cơ hội để đầu tư ồ ạt vào thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài về lao động, chi phí, giá cả... Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp Việt Nam về tài chính, đơn hàng. 

Ông Phí Ngọc Trịnh cho biết thêm, khi EVFTA có hiệu lực, May Hồ Gươm sẽ tập trung vào mở rộng sản xuất, tuyển dụng lao động, hiện đại hoá máy móc thiết bị và tập trung tối ưu hoá chi phí để có thể thu hút được các đơn hàng và nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Do vậy, doanh  nghiệp mong muốn các ngành chức năng tổ chức các chương trình đào tạo, để doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp với doanh nghiệp nước ngoài về marketing, tiếp xúc khách hàng, kỹ năng với người lao động. Cùng đó, các ngành chức năng cũng tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ để giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng đẩy mạnh xuất khẩu.

"Nếu Hiệp định được thông qua và có hiệu lực vào năm 2020 thì tỷ lệ hàng dệt may xuất khẩu của Hồ Gươm vào EU từ mức  35% hiện nay sẽ được nâng lên", ông Trịnh cho biết.

Hằng Trần (TTXVN)