04:09 05/04/2011

Giảm tần suất, nâng chất lượng các lễ hội

Những năm gần đây, xu hướng mở hội ngày càng gia tăng với tần suất dày đặc và quy mô ngày càng lớn. Các địa phương, thành phố đua nhau tổ chức Festival (lễ hội) với cung cách, nội dung “na ná” nhau, vô hình trung đã biến việc tổ chức lễ hội trở nên nhàm chán, đơn điệu.

Những năm gần đây, xu hướng mở hội ngày càng gia tăng với tần suất dày đặc và quy mô ngày càng lớn. Các địa phương, thành phố đua nhau tổ chức Festival (lễ hội) với cung cách, nội dung “na ná” nhau, vô hình trung đã biến việc tổ chức lễ hội trở nên nhàm chán, đơn điệu.

Trước thực trạng này, Nhà nước đã có nhiều chỉ thị và cả những biện pháp kịp thời yêu cầu giảm tần suất tổ chức lễ hội, tiết kiệm và nâng cao chất lượng nội dung nghệ thuật.

Chung “khuôn mẫu”

Không hẹn mà gặp, hàng loạt lễ hội kỷ niệm ở các địa phương gần đây đều diễn ra một cách tuần tự như khai mạc truyền hình trực tiếp, mở đầu là lãnh đạo địa phương phát biểu, tiếp đến là màn tái hiện lịch sử với các màn múa hát minh họa và kết thúc là khí thế vươn lên xây dựng quê hương đất nước... Sự giống nhau về nội dung và hình thức dàn dựng đã khiến công chúng ngày càng quay lưng lại, không hào hứng gì với các chương trình nghệ thuật lễ hội.

Tiết mục hát múa "Phiên chợ ngày xuân" trong Lễ hội văn hóa dân tộc Mông Suối Giàng huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: Thanh Hà – TTXVN


Điều đáng nói ở đây là chương trình nào cũng được tổ chức tốn kém tới tiền tỷ, có nơi tới vài tỷ. Lễ hội ở địa phương nhưng quy mô đầu tư kinh phí ngang lễ hội của quốc gia. Hầu như các êkíp sáng tạo chương trình đều đã được “chọn mặt gửi vàng” cho các tác giả, đạo diễn thường xây dựng bố cục kịch bản sân khấu hóa với các hoạt cảnh lắp ghép, xen lẫn màn ca múa minh họa, nội dung và chất lượng nghệ thuật hời hợt, đơn điệu... Phần lớn các nhà viết kịch bản lễ hội văn hóa, du lịch và các ngày lễ kỷ niệm hiện nay thường viết theo một lối dựa theo sử thi, lịch sử, văn hóa của địa phương. Chưa rõ về mục tiêu, ý tưởng xa rời thực tế và việc sân khấu hóa thô vụng đã làm nhiều lễ hội trở nên nhàm chán và làm nghèo nàn đi sức sáng tạo và hấp dẫn từ các chương trình.

Không chỉ trong lễ hội mới, mà mấy năm gần đây, ngay cả trong các lễ hội dân gian ở một số địa phương cũng có sự pha trộn dàn dựng sân khấu hiện đại với lễ hội dân gian truyền thống, tạo nên sự khập khiễng giữa nét văn hóa truyền thống và các yếu tố nghệ thuật quá mới. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng đã từng lên tiếng khi thấy lễ hội Lam Kinh lại không tiến hành ở đền thờ trang nghiêm mà lại “bê” tất cả ra quảng trường dựng tế, hay lễ hội đền Lảnh Giang cũng mắc phải cái sai tương tự khi mang chiếu đồng ra giữa cánh đồng để bảo đó là phục dựng và đưa cả nghệ thuật đương đại vào phần hội...

Tác giả Vũ Hải, Trưởng phòng nghệ thuật Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Tôi không nghĩ là chúng ta thiếu những tác giả có khả năng viết kịch bản hay. Vấn đề là ở tư duy của nhà tổ chức trong việc lựa chọn các đối tác tham gia sáng tác chương trình lễ hội. Họ chưa thực coi trọng người viết kịch bản, không ít người còn cho rằng viết kịch bản cho lễ hội là đơn giản, chỉ cần vài gạch đầu dòng, vài trang là xong...

Cần thay đổi tư duy làm lễ hội

Đã tới lúc các nhà tổ chức và dàn dựng các chương trình nghệ thuật cho lễ hội cần phải thay đổi tư duy. Lễ hội phải là hoạt động văn hóa được tổ chức do dân, vì dân và hướng tới nâng cao các giá trị đời sống vật chất và tinh thần cho dân. Hiện nay, việc tổ chức các lễ hội có sự xuất hiện của các công ty tổ chức sự kiện, phải qua rất nhiều khâu trung gian, nhưng không phải công ty nào cũng làm tốt, có trách nhiệm và quan tâm tới chất lượng nghệ thuật, đó là chưa kể tới việc họ sẽ giảm thiểu tối đa chi phí dàn dựng để thu lợi nhuận. Đạo diễn, NSND Lê Hùng cho rằng, với những lễ hội dân gian truyền thống ở địa phương thì do địa phương quản lý, với những lễ hội mang tính sự kiện lớn ở vùng, miền thì Bộ VH, TT & DL – cơ quan quản lý lĩnh vực này cần thẩm định ngay từ khâu kịch bản, không nên phó mặc cho các công ty tổ chức sự kiện như hiện nay, bởi dễ gây ra sự rập khuôn và thật vô lý khi các chuyên gia, đạo diễn và nghệ sĩ lại phải “qua cầu” các công ty tổ chức sự kiện để làm văn hóa. Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Trên thực tế hiện nay, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng được mời vào ban chỉ đạo, ban tổ chức các lễ hội. Cũng có xem duyệt góp ý, tuy nhiên đó chỉ là hình thức, chương trình khi công diễn rốt cuộc cũng không thấy sửa gì”.

Múa trong lễ hội cầu mùa, hoạt động văn hóa “Du lịch về cội nguồn năm 2011”, tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Vũ Hữu Sinh – TTXVN


Để khắc phục những bất cập trong công tác dàn dựng chương trình lễ hội ở các địa phương, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề xuất với Bộ VH,TT&DL năm 2011 Bộ sẽ mở một lớp đào tạo lại các đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật ở các địa phương về nghiệp vụ tổ chức lễ hội, sự kiện để nâng cao trình độ và giúp lực lượng này tiếp cận với các sự kiện lễ hội văn hóa lớn, đủ khả năng khai thác được bản sắc riêng của địa phương mình. Nhưng để nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật trong lễ hội, điều cần thiết nhất chính là các nhà tổ chức, dàn dựng cần thay đổi tư duy làm lễ hội, dù là lễ hội dân gian truyền thống hay lễ hội đương đại thì người tổ chức cần nắm được nhu cầu của công chúng, xây dựng những chương trình phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người dân. Có như vậy, lễ hội mới thực sự phát huy được ý nghĩa của nó.

Tiêu Dao