10:17 13/10/2021

Giám sát việc thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 13/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát việc thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 trên địa bàn giai đoạn từ 1/1/2018 - 30/6/2021. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi giám sát.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy, Luật Công đoàn năm 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình; đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của đất nước; phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống chính trị - xã hội. Đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ về tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới. Nổi bật là công tác xây dựng quy chế phối hợp giữa tổ chức Công đoàn với chính quyền, chuyên môn đồng cấp đã góp phần phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia cùng cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng liên quan của đoàn viên, công nhân viên chức người lao động, hạn chế tình trạng tranh chấp lao động, đình công tự phát.

Luật Công đoàn 2012 đã phát huy quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo đó, các cấp Công đoàn thành phố đã phối hợp với lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; tổ chức thường xuyên các Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, Hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ, thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể… "Luật Công đoàn năm 2012 đã khẳng định và thể hiện rất rõ việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong hệ thống pháp luật chung và xác lập các quyền cơ bản, các đối thoại cơ bản của tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp và trong hệ thống chính trị của cả nước”, bà Trần Thị Diệu Thúy khẳng định.

Ông Phạm Văn Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố đánh giá cao Luật Công đoàn 2012 đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp và người lao động cùng tổ chức Công đoàn xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Đặc biệt, từ năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thành phố đều thực hiện Luật Lao động Việt Nam, trong đó có Luật Công đoàn. Ở một góc độ nào đó, doanh nghiệp luôn quan sát, tìm hiểu và luôn có trách nhiệm tham gia, thực hiện đúng Luật Công đoàn.

Ông Lương Tuấn Anh, Chủ tịch Công đoàn viên chức TP Hồ Chí Minh cho rằng Luật Công đoàn 2012 đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn tham gia kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan tổ chức, doanh nghiệp; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội… Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của thành phố. 

Đánh giá cao nỗ lực của các cấp Công đoàn thành phố, ông Cao Thanh Bình, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc triển khai thực hiện tốt Luật Công đoàn 2012 đã góp phần giảm tỷ lệ đình công, lãn công. Từ khi có Luật Công đoàn, các cấp Công đoàn thành phố đã xây dựng nhiều mô hình hay, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm; các hoạt động tuyên truyền, chuyên đề tiếp xúc cử tri. Các cấp Công đoàn đã có nhiều công trình mới; tích cực tham gia các đề án, công trình của địa phương, thành phố thúc đẩy hoạt động Công đoàn ngày càng mạnh mẻ hơn, tích cực hơn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông Cao Thanh Bình nhìn nhận, quá trình triển khai Luật Công đoàn có những vướng mắc nhất định, nhất là từ các cơ quan địa phương. Nhiều địa phương vẫn còn xem nhẹ việc thực hiện Luật Công đoàn, nhiều người ngộ nhận giữa Luật Công đoàn và điều lệ Công đoàn… Do đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền Luật Công đoàn, các cấp Công đoàn cần đề xuất giải pháp cho những trường hợp như: doanh nghiệp nợ bảo hiểm, các vấn đề liên quan tài chính Công đoàn để chăm lo cho đoàn viên. Công đoàn viên chức thành phố cần nắm bắt thông tin tâm tư, nguyện vọng của người lao động, trong đó chú trọng đến chính sách thu hút nhân tài, xây dựng nhà ở xã hội, tham gia thúc đầy phát triển kinh tế phố…     

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn trong thời gian tới cần phải hướng tới việc phân biệt rõ giữa quyền của đoàn viên công đoàn và người lao động; bổ sung thêm một số quyền và nghĩa vụ của đoàn viên đối với tổ chức đại diện người lao động mà mình tham gia. Đồng thời, xác định nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của đoàn viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Luật cần thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; tạo cơ sở nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Bà Trần Thị Diệu Thúy đề xuất, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi giám sát. 

Cùng quan điểm, ông Lương Tuấn Anh, Chủ tịch Công đoàn viên chức TP Hồ Chí Minh cho rằng cần điều chỉnh các nội dung phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế như tăng thời gian hoạt động cho cán bộ công đoàn kiêm nhiệm tại các doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ của cho đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên và công đoàn tại cơ sở cho phù hợp với thu nhập của doanh nghiệp tiếp cận với mức lương của thị trường. Ông Lương Tuấn Anh đề xuất có chính sách riêng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng trong hoạt động công đoàn; trong đó cần có cơ chế bổ sung biên chế là cán bộ công đoàn cho phù hợp với đặc điểm tình hình của từng tỉnh, thành phố. 

Đánh giá cao những kết quả đạt được; đồng thời ghi nhận các kiến nghị, phản ánh, đóng góp của đại diện các cấp Công đoàn, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là dịp để các đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn về việc thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 tại các cấp Công đoàn. Các ý kiến, kiến nghị là chất liệu để đoàn đại biểu chuẩn bị cho việc góp ý sửa đổi, bổ sung cho Luật Công đoàn trong thời gian tới để luật và các chính sách sớm đi vào thực tiễn, mang hiệu quả thiết thực hơn cho đoàn viên Công đoàn, cho doanh nghiệp và cho tổ chức Công đoàn trong quá trình hội nhập và phát triển.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận rất nhiều khó khăn, nhưng tổ chức Công đoàn, nhất là Công đoàn ở cơ sở trực thuộc thành phố đã có nhiều nỗ lực để chuyển tải nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp với chính quyền trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến Công đoàn, người lao động. “Trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là cần đổi mới tuy duy, cách làm, ứng dụng công nghệ thông tin giúp doanh nghiệp tiết kiệm, tập trung cho sản xuất kinh doanh; làm thế nào để không thay đổi cách làm việc nhưng vẫn đạt được hiệu quả; làm thế nào để doanh nghiệp, người lao động luôn tin tưởng và chọn tổ chức Công đoàn…”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)