08:23 26/08/2019

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Tây Ninh

Chiều 26/8, Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" của Quốc hội do ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát, Trưởng đoàn công tác số 3 dẫn đầu, có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh.

Cùng dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Viết Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. 

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, toàn tỉnh có 245.382 trẻ em; số trẻ em đang học mầm non, mẫu giáo và các cấp học phổ thông là 232.265 trẻ. Trong đó, số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là 2.225 em. Theo ghi nhận của ngành chức năng, từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 216 vụ xâm hại trẻ em với số nạn nhân là 353 trẻ gồm: trẻ em bị bạo lực 94 em (trong đó bạo lực học đường là 89 em), trẻ em bị bóc lột là ba em, bị xâm hại tình dục 219 em, bị bỏ rơi chín trẻ, các hình thức gây tổn hại khác 28 em.

Các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em phổ biến là lợi dụng em bé gái độ tuổi từ 12 đến dưới 16, bước vào giai đoạn dậy thì thường nảy sinh tình cảm yêu thương khi tiếp xúc trực tiếp hoặc qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, sau đó đối tượng dụ dỗ vào nhà trọ để xâm hại (quan hệ tình dục). Có trường hợp đối tượng là bạn trai của chị gái, được chị đưa về nhà chơi, đã dụ dỗ để xâm hại em gái. Một số đối tượng lạ mặt lợi dụng khi không có người lớn ở nhà, vào thời điểm gần sáng hoặc khi các em trên đường đi học, đi chơi một mình đã đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại.

Chú thích ảnh
 Đồng chí Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi giám sát. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cũng lưu ý, địa bàn xảy ra các trường hợp xâm hại trẻ em phổ biến là khu vực nông thôn chiếm 188/216 vụ (chiếm 87,7%) do học thức, nhận thức ở khu vực này còn hạn chế. Trong đó, số trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục là 13 em; số trẻ em phải bỏ học do bị xâm hại là sáu em.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, những ảnh hưởng nguy hại của tội phạm xâm hại trẻ em trước hết tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sự phát triển bình thường của trẻ về tâm lý, giới tính cũng như tương lai của các em sau này. Hậu quả mà hành vi này gây ra cho xã hội là không thể phủ nhận. Đó là sự tấn công trực diện đến các nền tảng đạo đức xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong dư luận.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em là do nhiều gia đình, phụ huynh mải lo toan cuộc sống nên ít quan tâm đến con em mình hoặc do bố mẹ ly thân, ly hôn, phó mặc việc quản lý, giáo dục con cho ông, bà hay những người khác.

Bên cạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức để ngăn chặn các trường hợp xâm hại trẻ em, ngành chức năng của tỉnh cũng nghiêm khắc xử lý trường hợp gây tổn thương cho trẻ em. Đối với những trường hợp xâm hại trẻ em xảy ra, ngành chức năng của tỉnh đã làm rõ 202/216 vụ với 211 đối tượng, đạt 95,3%. Trong đó, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng 69 vụ, làm rõ 63 vụ, 66 đối tượng, đạt 95,6%. Kết thúc điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 196 vụ, 205 bị can.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phan Thanh Bình, Trưởng đoàn công tác của Quốc hội, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em cũng như công tác điều tra, xét xử nghiêm khắc đối với những đối tượng này. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Bình, những trường hợp xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh tỷ lệ cao hơn các địa phương khác, tỉnh cần chú ý hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là trong trường học và khu vực nông thôn, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh để từng bước kéo giảm tình trạng này.

Tin, ảnh: Lê Đức Hoảnh (TTXVN)