03:18 27/03/2019

Giám sát thực hiện chính sách về phòng cháy chữa cháy tại Quảng Ninh

Ngày 27/3, Đoàn Giám sát Quốc hội do đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Chú thích ảnh
Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 4.228 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, trong đó có 2.069 cơ sở có nguy cơ cao về cháy, nổ. Bên cạnh những cơ sở trọng điểm về phòng cháy chữa cháy, tỉnh Quảng Ninh còn có loại hình cơ sở đặc thù gồm: 77 đơn vị hoạt động vật liệu nổ công nghiệp với 96 kho chứa; 82 đơn vị khai thác than, mỗi năm đào hàng trăm km đường hầm, lò; 3 kho, 2 cảng xăng dầu, 168 km đường ống vận chuyển xăng dầu; 505 tàu du lịch, vận chuyển khách trên biển.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, công tác phòng cháy chữa cháy được tỉnh Quảng Ninh chú trọng, trong đó tập trung tuyên truyền nhân dân tự phòng cháy là chính; quán triệt các tàu du lịch phải đảm bảo các thiết bị phòng cháy chữa cháy; hỗ trợ nguồn ngân sách, bố trí đủ lực lượng tham gia phòng cháy chữa cháy; đảm bảo hậu cần, kỹ thuật trong khai thác hầm lò.

Hiện lực lượng Công an có chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, theo đó nếu không hoàn thành nghĩa vụ trong 3 đợt tuyển dụng sẽ giải quyết ra quân. Lực lượng này được phân bổ về các địa phương, qua 3 năm huấn luyện về nghiệp vụ sẽ có kinh nghiệm và mang lại hiệu quả phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề xuất Bộ Công an sớm ban hành, sửa đổi Thông tư 66/2014/TT-BCA phù hợp với mô hình tổ chức địa phương để thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính về phòng cháy chữa cháy.

Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng cháy chữa cháy của tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, dự báo được nguy cơ tiềm ẩn đối với các cơ sở xảy ra cháy, nổ; quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương; thành lập và duy trì Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy từ tỉnh đến cơ sở; chỉ đạo quyết liệt các cơ sở đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy…; đồng thời, đề xuất, kiến nghị tỉnh xây dựng phương hướng phòng cháy chữa cháy cụ thể để đảm bảo sát thực với tình hình địa phương. Cụ thể, thực hiện phòng cháy chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phòng cháy chữa cháy; quan tâm chỉ đạo hỗ trợ kinh phí đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở; xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho phòng cháy chữa cháy; quy hoạch các điểm cấp nước phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra, đồng chí Lê Thị Nga cũng yêu cầu lực lượng Công an tỉnh tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy, nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị gắn với phong trào thi đua hàng năm.

Trung Nguyên (TTXVN)