04:15 24/04/2018

Giám sát nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan

Ngày 24/4, tại Hà Nội, 6 cơ quan: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự và đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Đắc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Phạm Huy Hùng cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, thành viên ban chỉ đạo chương trình phối hợp và đại diện doanh nghiệp.

Bước chuyển mạnh mẽ trong quá trình cải cách thủ tục hành chính

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Thời gian qua, việc triển khai nghiêm túc Chương trình phối hợp số 07 ngày 7/4/2015 giữa 6 cơ quan về giám sát thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đem lại những kết quả tích cực. Nội dung giám sát việc thực hiện cải cách hành chính thuế và hải quan tập trung vào việc thu nhận phản ánh thực tế của các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã, những tổ chức đại diện cho cộng đồng kinh doanh; thu thập các đánh giá về tình hình thực hiện, tác động của Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.

Nhờ những nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan nên thu ngân sách nhà nước năm 2017 của ngành thuế đạt 1.019.041 tỷ đồng (bằng 105,2% dự toán); ngành hải quan đạt 297.082 tỷ đồng (tăng 5,04% so với năm 2016); góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hơn 560.000 doanh nghiệp, lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Năm 2017, riêng khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp 32,3% cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan từ Trung ương tới cơ sở, qua đó đạt những bước tiến quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế; nâng cao hiệu lực hiệu quả; hội nhập quốc tế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đồng thời củng cố và duy trì ổn định chính trị; quốc phòng- an ninh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 3 năm liên tiếp (2014 - 2016), Bộ Tài chính luôn được xếp thứ 2 trong bảng chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại như công tác xây dựng chính sách thuế chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế, thiếu phản biện, lắng nghe; còn những lỗ hổng lớn về chính sách, dẫn đến làm môi trường kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, thất thu ngân sách, mất cán bộ....

Từ thực tế đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu dự Hội nghị phát huy trách nhiệm, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận về kết quả nổi bật, cách làm hiệu quả nhất đối với các nội dung, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình phối hợp 07; đề xuất giải pháp khắc phục đối với những khó khăn, vướng mắc, hạn chế nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp.

Khẳng định thuế và hải quan là hai lĩnh vực quan trọng, có tác động lớn đối với sự phát triển của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, luôn được Chính phủ xác định là trọng tâm cải cách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên và đòi hỏi sự chung tay của tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua việc thực hiện giám sát trên tinh thần trách nhiệm, toàn diện và ổn định đã cho thấy cách nhìn đa chiều về kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, từ đó đề xuất cho Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp kịp thời xử lý.

Đánh giá về tác động của chương trình giám sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, chương trình đã được thực hiện đúng thời điểm, với kết quả đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đặt ra. Với những ghi nhận khách quan, độc lập, kết quả giám sát cho thấy hai lĩnh vực thuế và hải quan đã có bước chuyển mạnh mẽ trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Qua thực hiện chương trình giám sát, vai trò chủ động của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thúc đẩy, trao quyền cho doanh nghiệp. Lần đầu tiên, cộng đồng doanh nghiệp được lấy ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP; tạo ra kênh kết nối hữu ích giữa các bên liên quan.

Nâng cao vai trò và mở rộng hoạt động giám sát

Với mục tiêu lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển nền kinh tế của đất nước, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, thúc đẩy công tác cải cách hành chính thuế, hải quan. Bên cạnh những kết quả đã được ghi nhận, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng còn tồn tại nhiều khó khăn trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính như: Sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan; một bộ phận cán bộ, công chức thuế và hải quan tinh thần trách nhiệm chưa cao, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu công việc. Ngoài ra, các doanh nghiệp chưa theo kịp với yêu cầu hiện đại hóa, thiếu cập nhật chính sách mới và ứng dụng công nghệ thông tin…

Bên cạnh việc tiếp tục cải cách về thể chế, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, quan trọng là việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa việc thực hiện kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử và hải quan điện tử; đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu việc tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp…

Cho rằng cần thúc đẩy cải cách thể chế, tập trung tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuế và hải quan, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Thực hiện tốt những công việc này sẽ giảm thiểu tình trạng chồng chéo, bất cập, cải thiện hiệu quả phối hợp trong kiểm tra chuyên ngành. Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị xem xét mở rộng lĩnh vực giám sát nhằm vào 2 khâu rất yếu và đang làm giảm điểm trong chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam là khởi sự kinh doanh và giải quyết phá sản của doanh nghiệp vì đây là những “điểm yếu, điểm nghẽn”.

Với vai trò vừa là đối tượng giám sát, vừa là chủ thể thực hiện nhiệm vụ được giao, quá trình 3 năm thực hiện giám sát vừa qua đã góp phần giúp ngành hải quan nâng cao nhận thức, trách nhiệm; đem lại hiệu ứng tốt cho xã hội. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết: Cơ chế giám sát là động lực tạo sức ép để ngành hải quan thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu xã hội, người dân, doanh nghiệp. Khẳng định ngành hải quan sẽ liên tục tiếp thu và kịp thời khắc phục tồn tại, ông Hoàng Việt Cường kiến nghị: Để huy động tốt nguồn lực thực hiện công tác giám sát, cần lan tỏa hiệu quả của công tác giám sát đến khối Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố. Đây là giải pháp lâu dài, cơ bản, góp phần xây dựng cơ chế thu thập xử lý thông tin, ý kiến, giúp Ban Thường trực và Tổ chỉ đạo của 6 cơ quan liên ngành hoàn thiện hơn trong phương pháp phối hợp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho rằng cần đẩy mạnh triển khai các dịch vụ điện tử như khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế hóa đơn điện tử nhằm tạo thuận lợi tối đa cho đối tượng nộp thuế; xây dựng đội ngũ cán bộ thuế liêm chính, đổi mới thông qua việc đảm bảo cơ chế kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý thuế và phục vụ người dân, doanh nghiệp; áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với tất cả các khâu trong quản lý thuế.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân mong muốn Bộ Tài chính đẩy nhanh vấn đề kê khai hóa đơn điện tử; đồng thời kiến nghị Tổng cục Thuế khi có những thay đổi về chính sách cần thông tin cụ thể đến từng doanh nghiệp dưới hình thức triển khai đưa xuống các Chi cục Thuế tại địa phương, sau đó các chi cục mời doanh nghiệp lên ký xác nhận đã được phổ biến và nắm được thông tin.

Hiền Hạnh (TTXVN)