03:15 18/03/2015

Giám sát giao thông bằng công nghệ

Chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động, mọi người lập tức có thể chọn được cung đường đi ngắn nhất, điểm đón xe buýt gần nhất, biết được tuyến đường dự định đi qua có ùn tắc hay không…

Chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động, mọi người lập tức có thể chọn được cung đường đi ngắn nhất, điểm đón xe buýt gần nhất, biết được tuyến đường dự định đi qua có ùn tắc hay không… Đó là những ứng dụng phổ thông của hệ thống giao thông thông minh (ITS) mà Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp với Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel telecom) tại hội thảo ứng dụng công nghệ giát sát phương tiện giao thông để đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT ngày 18/3 tại Hà Nội.

Trung tâm điều hành, xử lý vi phạm giao thông qua camera giám sát vi phạm của Công an Hà Nội


Thiết lập hệ thống giao thông thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành hoạt động giao thông, bảo đảm trật tự ATGT và mang lại tiện ích tối đa cho người dân là vấn đề đã được Ủy ban ATGT Quốc gia đặt ra từ vài năm nay. Trên thực tế một số lĩnh vực đã được áp dụng như: Bán vé tàu qua mạng internet, bán vé xe buýt tự động, thu phí xe tự động trên đường cao tốc, biển báo giao thông điện tử, quản lý xe ôtô thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát giao thông…

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, cần phải xây dựng được một hệ thống quản lý giao thông thông minh, đồng bộ, theo một tiêu chuẩn chung để phục vụ công tác quản lý Nhà nước và khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông. Điều này cũng giải quyết tốt hơn nhu cầu tiện ích và an toàn cho người dân, cũng như lợi nhuận cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này. Nếu ứng dụng hiệu quả CNTT vào giám sát giao thông, có thể nâng cao năng lực quản lý, khai thác hạ tầng, vận tải, cũng như tạo ra tính minh bạch, bình đẳng trong quản lý và xử lý vi phạm giao thông. Hiện nay, hạ tầng giao thông, thiết bị thu nhận thông tin của phương tiện đã đủ điều kiện để bắt tay xây dựng một hệ thống giao thông thông minh dựa trên nền CNTT.

“Dữ liệu thông tin là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Thông tin có thể được thu nhận qua vị trí của thuê bao điện thoại di động, thiết bị giám sát hành trình ô tô, từ camera giám sát giao thông… Ví như trên một đoạn đường có mật độ thuê bao di động tập trung, nếu xảy ra ùn tắc giao thông... hệ thống này sẽ giải quyết được vấn đề”, ông Khuất Việt Hùng cho hay.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, cùng với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của hệ thống giao thông đường bộ và giao thông đô thị thì việc quản lý, giám sát và điều hành giao thông bảo đảm trật tự ATGT đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng và các địa phương. Trong các giải pháp đồng bộ đang triển khai, việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông trong quản lý, điều hành giao thông là một giải pháp hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm và mang tính bền vững.

Ứng dụng ITS là xu hướng của thời đại. Nhiều quốc gia đã nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ giao thông minh, nhằm nâng cao hiệu quả, độ tin cậy, cải thiện ATGT, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trong GTVT và đã đạt được nhiều thành công rất ấn tượng. Năm ATGT 2015, Bộ GTVT sẽ tập trung thực hiện chủ trương ứng dụng CNTT trong công tác bảo đảm trật tự ATGT để tăng cường quản lý điều hành giao thông.

Giám đốc Trung tâm ứng dụng sản phẩm (Viettel Telecom) Đinh Đức Hùng cho biết: Hạ tầng và khả năng công nghệ trong nước hiện nay hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu thiết lập hệ thống quản lý giao thông thông minh. Khi áp dụng hệ thống này với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chắc chắn sẽ giúp thay đổi hoàn toàn diện mạo giao thông, nhất là tại các đô thị. Viettel đủ khả năng và có nhiều lợi thế khi tham gia các chương trình ứng dụng CNTT xây dựng hệ thống giao thông thông minh.

Theo ông Đinh Đức Hùng, ngoài dữ liệu mà ngành GTVT đã có, Viettel còn có ưu thế bởi mạng viễn thông phủ sóng toàn quốc với hơn 50 triệu thuê bao điện thoại di động, hơn 50.000 xe máy sử dụng dịch vụ quản lý từ xa. Cách đây hơn ba năm, Viettel đã hoàn thành đề tài nghiên cứu thuật toán xử lý dữ liệu thông tin giao thông để sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Viettel sẽ thí điểm ứng dụng CNTT vào quản lý giao thông tại các đô thị lớn ngay từ tháng 3/2015.


Tiến Hiếu