07:08 24/07/2019

Giám sát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nông sản an toàn

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn; số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.

Ngoài 128 siêu thị, 600 cửa hàng tiện ích, các kênh phân phối nông sản phần lớn qua các chợ đầu mối, chợ dân sinh… Tuy nhiên, do phần lớn hàng hóa được thương lái thu gom từ các nơi nên các mặt hàng bán tại chợ đầu mối, chợ dân sinh chưa đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Chú thích ảnh
Các sản phẩm rau an toàn mang thương hiệu Lá Lành được bày bán thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông trên thị trường, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm cung cấp ra thị trường. Đồng thời, người tiêu dùng có thể lựa chọn những mặt hàng có uy tín và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng khi xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, trên thực tế để kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm là rất khó khăn đối với lực lượng chức năng. Bởi, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún nên vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh... trong trồng trọt, chăn nuôi.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay sản xuất nông nghiệp của thành phố đang trong quá trình chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa; công nghệ sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm còn thủ công. Vì vậy, các ngành chức năng chưa thể xử lý dứt điểm vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh trong kinh doanh rau, quả và thủy sản...

Để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc giám sát, quản lý an toàn thực phẩm; nâng cấp hệ thống trang thiết bị, phương pháp kiểm nghiệm để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề an toàn thực phẩm theo các tiêu chí mà các bộ, ngành đề ra. 

Mặt khác, Sở phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố thanh tra đột xuất, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở sản xuất, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn để kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.

Để giúp người tiêu dùng nhận diện nông sản an toàn, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội còn tổ chức cho hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ các quận tham quan thực tế tại một số trang trại chăn nuôi, trồng trọt, trực tiếp nắm bắt quy trình sản xuất… Thông qua đó, góp phần giúp hội viên phụ nữ hình thành thói quen tiêu dùng thông thái, chỉ mua nông sản, thực phẩm ở những địa chỉ uy tín đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận an toàn.

Nam Giang (TTXVN)