05:15 19/05/2017

Giảm sai sót trong lĩnh vực xuất bản, đáp ứng nhu cầu đọc của người dân

Nâng cao chất lượng, giảm thiểu những sai sót trong in ấn, phát hành là yêu cầu cấp thiết của ngành xuất bản để đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc ngày càng cao của người dân.

Đó là nhận định của ông Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại Hội nghị quán triệt Thông báo Kết luận 19 – KL/TW của Ban Bí thư khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42 – CT/TW của Ban Bí thư khóa IX “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản", được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19/5.

Nâng cao chất lượng ngành xuất bản để giảm thiểu sai sót trong in ấn, phát hành.

Theo ông Phạm Văn Linh, thực hiện Chỉ thị 42 – CT/TW của Ban Bí thư khóa IX, sau hơn 10 năm, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực với những bước ngoặt quan trọng. Trong đó, mới nhất là sự ra đời của 2 phố sách tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, thể hiện sự văn minh, đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân. Ngoài ra, ngành xuất bản hiện vẫn còn những vấn đề bất cập trong quá trình hội nhập và phát triển như: Thiếu ấn phẩm tương xứng với nhu cầu người đọc, năng lực của các nhà xuất bản có nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu sự phối hợp, gắn kết giữa các lĩnh vực in, xuất bản, phát hành, thư viện…


Ông Trần Xuân Hà, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cũng cho biết vừa qua hoạt động xuất bản đã có kết quả phấn khởi, tuy nhiên sách lậu và sách vi phạm bản quyền vẫn còn nhiều, hơn 90% các vi phạm trong hoạt động xuất bản thuộc về liên kết xuất bản. Nguyên nhân do hoạt động này thuộc lĩnh vực tư tưởng, các đơn vị xuất bản ngoài hoạt động kinh doanh xuất bản còn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị nhưng chưa có ưu tiên đặc thù. Vì vậy, chất lượng xuất bản phẩm còn hạn chế. Chưa kể, nhiều đơn vị xuất bản vẫn còn kinh doanh đơn thuần nên thường phải tự bù lỗ, không được ưu đãi giá thuê nhà, thuê đất… Những điều này làm giảm năng lực của các nhà xuất bản.


Vì vậy, theo ông Phạm Văn Linh để giảm thiểu sai sót và nâng cao chất lượng, ngành xuất bản cần đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tối đa nguồn lực xã hội. Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, nhân rộng những mô hình hay, nâng cao chất lượng tư vấn của Hội Xuất bản… Cần phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực liên quan trong lĩnh vực xuất bản, in ấn. Tăng cường nâng cao ý thức cho các cơ quan xuất bản, quy hoạch phát triển mạng lưới ngành phù hợp với tình hình mới…


Hoàng Tuyết/ Báo Tin Tức