10:22 21/10/2015

Giảm phiền hà cho người dân

Công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Hà Nội những năm gần đây đã mang lại kết quả bước đầu với việc rút ngắn thủ tục, giảm thời gian cũng như những tiêu cực khác.


Vẫn cần nỗ lực

Anh Nguyễn Sỹ Lân (Gia Lâm, Hà Nội) vừa đi xin cấp giấy phép xây dựng tại bộ phận một cửa của huyện cho biết, thủ tục khá thuận lợi, nhanh gọn không quá 20 ngày. “Trước đây tôi cứ nghĩ phức tạp nên còn ngần ngại, định không xin phép, tuy nhiên, ra bộ phận một cửa được hướng dẫn thủ tục và quy trình làm đơn giản nên tôi xin phép ngay”, anh Lâm chia sẻ.

Người dân vẫn yêu cầu dịch vụ cấp sổ đỏ thuận tiện hơn. Ảnh: Đức Mạnh

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thì cũng còn không ít bộ phận một cửa gây phiền nhiễu. Chị Diệu Linh khi đi làm thủ tục giấy khai sinh cho con tại bộ phận một cửa phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) khá bức xúc vì cán bộ tiếp nhận yêu cầu phải có giấy xác nhận của Bệnh viện phụ sản Hà Nội, trong khi đã có giấy chứng sinh và hồ sơ ra viện. “Đã vậy, nhân viên tiếp nhận hồ sơ ăn nói nhát gừng, khó chịu. Theo lịch dán ở bảng thông báo thì 11 giờ mới hết giờ nhận hồ sơ, nhưng như tôi đến nộp hồ sơ lúc 10h45, anh cán bộ nói cộc lốc: “Hết giờ rồi, chiều đến nộp”, chị Diệu Linh cho biết.

Cảm nhận chung của người dân về tiếp nhận giải quyết hồ sơ của cơ quan hành chính thời gian gần đây đã thay đổi đáng kể. Anh Vũ Hồng Lĩnh (Cầu Giấy) khi đi làm lại chứng minh thư nhân dân cũng thừa nhận, quy trình làm và giải quyết khá nhanh gọn, khoa học. “Chỉ có điều, cán bộ giao dịch “mặt khó đăm đăm” khi phải giải thích”, anh Vũ Hồng Lĩnh nhận xét.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho biết, năm 2014 là năm đầu tiên Hà Nội khảo sát ý kiến của người dân đối với 6 dịch vụ hành chính (cấp giấy phép xây dựng nhà ở; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); cấp giấy chứng minh nhân dân; cấp giấy khai sinh; chứng thực; đăng ký kết hôn). Theo đó, dịch vụ cấp Chứng minh nhân dân được đánh giá cao về sự thuận tiện do thông tin thủ tục rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, thuận tiện. Còn đánh giá thấp nhất là dịch vụ cấp sổ đỏ, đây là dịch vụ người dân còn bức xúc, nhiều khiếu nại. Trong đó, gần 70% số người được hỏi yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc thực hiện dịch vụ cấp sổ đỏ của Hà Nội.

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới

Ông Ngô Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội cũng tương đồng đánh giá của Bộ Nội vụ về công tác cải cách hành chính Hà Nội. Theo đó, Thủ đô tiếp tục là một trong 10 địa phương được người dân và doanh nghiệp đánh giá có chất lượng phục vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đứng đầu cả nước. Tuy vậy người dân và doanh nghiệp vẫn đánh giá thấp về thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính thuộc thành phố và chất lượng phục giảm dần qua các năm gần đây. Do đó, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị từ cấp thành phố đến cơ sở cần có giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về chất lượng phục vụ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”, ông Ngô Anh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Lãnh đạo huyện coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm nên quan tâm đầu tư hạ tầng, quy chế giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt là khâu kiểm tra giám sát. Năm 2014, huyện đã kiểm điểm 20 đơn vị với 38 trường hợp và 9 tháng năm 2015 đã kiểm điểm 9 tập thể với 19 trường hợp cán bộ công chức chưa thực hiện đúng quy chế, cũng như thái độ tiếp công dân.

“Để thủ tục được đơn giản, đúng quy trình, chúng tôi đề nghị Sở Tư pháp thường xuyên kiểm tra rà soát quá trình ban hành văn bản pháp luật, thủ tục giải quyết, qua đó đơn giản hóa thủ tục. Qua rà soát, huyện Gia Lâm đã đưa 256/259 thủ tục liên quan vào cơ chế 1 cửa để giải quyết đúng quy định. Tuy nhiên, thủ tục hành chính liên quan đến cấp sổ đỏ chiếm tới 80% thủ tục hành chính. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa việc cấp sổ đỏ, sở, ngành chức năng cần thường xuyên cập nhật thông tư, nghị định hướng dẫn và có hướng dẫn quy trình với cấp quận huyện để xử lý. Bên cạnh đó, đồng bộ hạ tầng thông tin và có hệ thống phần mềm dùng chung từ cấp thành phố, quận huyện, xã phường”, ông Nguyễn Ngọc Thuần kiến nghị.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: “CCHC là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thành phố xác định CCHC là nhu cầu nội tại và yêu cầu các sở, ngành, cơ quan phải làm, chứ không phải vì xếp hạng. Sở Tư pháp phải rà soát lại các văn bản, quy định, loại bỏ văn bản chưa phù hợp. Với khối lượng công việc ngày càng nhiều, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị phải được tăng cường; đồng thời xây dựng phần mềm dữ liệu dùng chung và làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tăng cường giao tiếp, làm việc với cơ quan Nhà nước thông qua môi trường điện tử”.

Xuân Cường