07:06 22/07/2016

Giảm nghèo nhanh nhờ "3 cây + 2 con"

Là một huyện nghèo, Hà Quảng (Cao Bằng) xác định phải thực hiện hiệu quả Nghị quyết chuyên đề, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa theo công thức "3 cây + 2 con" (cây thuốc lá ở vùng đồng; cây ngô, cây lạc hàng hóa, nuôi bò, lợn đen ở vùng cao). Nhờ nghị quyết này mà tỷ lệ hộ nghèo những năm qua ở Hà Quảng giảm từ 5 - 6%/năm.

Xác định xã Vân An có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây gừng trâu, từ năm 2000, một số hộ dân trong xã trồng gừng trâu. Sản phẩm gừng đến mùa thu hoạch được tư thương đến tận nơi thu mua. Ba năm gần đây, cả xã trồng khoảng 10 ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha. Giá gừng trâu trung bình 15.000 đồng/kg; ước tính thu nhập từ trồng gừng trâu khoảng 300 triệu đồng/ha/năm; hộ trồng nhiều (diện tích khoảng 1.000 m2), sản lượng 2 tấn, thu nhập 30 triệu đồng. Năm nay, xã vận động nhân dân đầu tư phát triển diện tích trồng gừng trâu lên 20 ha và đã ký kết hợp đồng với công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Chăm sóc cây thuốc lá ở vùng đồng.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền xã Mã Ba cũng đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực đưa vào trồng các loại giống cây trồng có năng suất cao, chịu hạn tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu gieo trồng 2 vụ chính là vụ xuân và vụ hè thu. Riêng vụ xuân, bà con trồng chủ lực là cây ngô, gồm giống ngô địa phương và từng bước đưa giống ngô lai vào gieo trồng, với diện tích 230 ha. Đối với vụ hè thu, bà con chủ yếu trồng cây đỗ tương, giống lạc địa phương và cây lạc L14. 

Là xã có địa hình chủ yếu là núi đá, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đất canh tác lại ít, nên việc phát triển chăn nuôi đang trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Hiện nay, xã Mã Ba có tổng số bò nuôi vỗ béo gần 300 con, tập trung chủ yếu ở 2 xóm Lũng Rản, Mạ Rản. Theo đó, bò được tìm mua ở chợ là bò gầy, có tuổi vỗ béo hiệu quả là từ 24 - 36 tháng tuổi. Sau từ 2 - 3 tháng vỗ béo bằng cỏ voi, lá cây rừng, bò được bán có giá trên 40 triệu đồng/con. Với việc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2015, xã Mã Ba đã có 23 hộ thoát nghèo, nhiều gia đình đã mua sắm được các trang thiết bị cần thiết như ti vi, xe máy, đặc biệt có hộ đã mua được xe ô tô chở hàng.

Trồng cây gừng trâu để phát triển kinh tế.

Đối với xã Sỹ Hai, từ năm 2010 đến nay, xã mở 39 lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng hỗ trợ 44 hộ (mỗi hộ 37 tấm lợp fibro-xi măng để di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở. Phát triển 3 nhóm sở thích chăn nuôi bò vỗ béo, với 78 hộ tham gia, tập trung ở 3 xóm: Lũng Quảng, Khau Sớ, Lũng Luông. Nhờ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nên năng suất, sản lượng cây trồng và công tác chăn nuôi đạt kết quả cao. Đặc biệt là mô hình nuôi lợn đen được nhiều hộ dân trong xã hưởng ứng, mỗi hộ nuôi 6 - 7 con lợn thịt, 2 - 3 con lợn nái. Từ sản xuất, chăn nuôi, nhiều gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Sỹ Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết: Những năm tới, huyện tiếp tục thực hiện quyết liệt nghị quyết “3 cây + 2 con”. Cụ thể, sẽ lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến nông, khuyến lâm, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chỉ đạo và vận động nhân dân mở rộng diện tích ngô, lạc hàng hóa, gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm khoảng 5%; phấn đấu đến năm 2020 thoát khỏi diện huyện nghèo.
Minh Phúc