07:17 13/07/2011

Giám đốc "rút ruột" Công ty Cổ phần Sứ Kỹ thuật Hoàng Liên Sơn

Sau hơn 4 tháng bắt tạm giam 4 đối tượng để điều tra vụ tham ô tài sản ở Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái xác định: "Các đối tượng trong vụ án đã lập chứng từ khống rút ra số tiền trên 17 tỷ đồng...

Sau hơn 4 tháng bắt tạm giam 4 đối tượng để điều tra vụ tham ô tài sản ở Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái bước đầu xác định: "Các đối tượng trong vụ án đã thông đồng lập chứng từ khống rút ra số tiền trên 17 tỷ đồng để chiếm đoạt sử dụng cá nhân và chi tiêu trái quy định của Nhà nước. Cơ quan điều tra đã tạm giữ được số tiền hơn 4,3 tỷ đồng, hiện vẫn trong quá trình tiếp tục điều tra để làm rõ...". Tới đây, 4 bị can gồm: Nguyễn Khắc Sơn, giám đốc công ty; Nguyễn Thị Kim Hoa, kế toán trưởng; Quyền Thị Ngọc Anh, kế toán thanh toán và Lưu Thị Lịch, Chủ nhiệm HTX Thương Mại và Dịch vụ Phúc Lợi ở tổ 11 phường Gia Sàng thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) rồi sẽ phải ra trước vành móng ngựa...

Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn được thành lập năm 1979, với ngành nghề sản xuất, kinh doanh sứ cách điện phục vụ ngành công nghiệp kỹ thuật điện và xuất khẩu. Trước đây công ty là doanh nghiệp của Nhà nước thuộc UBND tỉnh Yên Bái; năm 2004, công ty được chuyển đổi thành công ty cổ phần, đến năm 2007, công ty được UBND tỉnh Yên Bái chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước về Tập đoàn Kinh tế Vinashin. Tại thời điểm tháng 7-2010, vốn điều lệ của công ty là 29 tỷ 740 triệu đồng; trong đó vốn Nhà nước là 4 tỷ 739,6 triệu đồng, vốn của cổ đông là 25 tỷ 400 nghìn đồng.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 200 lao động, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế vào ngân sách Nhà nước. Năm 2005, Công ty được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, sau đó, do giá xăng dầu (nhiên liệu chính được sử dụng trong lò nung sứ cách điện) tăng cao, thêm vào đó là việc vay vốn để mở rộng sản xuất không đúng thời điểm nên công ty gặp rất nhiều khó khăn. Kể từ năm 2007 khi chuyển Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn về Tập đoàn Kinh tế Vinashin, mặc dù giá xăng dầu trên thị trường khá ổn định, nhưng do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chủ quản là Tập đoàn Kinh tế Vinashin nên ông Nguyễn Khắc Sơn, giám đốc công ty và bà Nguyễn Thị Kim Hoa, kế toán trưởng bằng nhiều thủ đoạn đã biến hóa tiền của Công ty thành tiền của cá nhân, hợp thức hóa việc tăng vốn, mua cổ phiểu… vì vậy vốn nhà nước từ 56% xuống còn 14%. Nhiều câu hỏi đặt ra về sự giàu có bất thường đó khiến nhiều cổ đông không thể không nghi ngờ dẫn tới tình trạng tập thể cán bộ công nhân kiện cáo giám đốc và kế toán trưởng của công ty.

Ngày 8/2/2011 các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái nhận được đơn của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty, tố cáo giám đốc cùng kế toán trưởng đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để rút tiền công ty "sử dụng cá nhân và chi tiêu trái quy định của Nhà nước với số lượng lớn". Qua nghiên cứu nội dung đơn tố cáo, kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra công an tỉnh Yên Bái đã lập chuyên án đấu tranh với hành vi tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước tại Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn. Đến ngày 14/2/2011, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Yên Bái đã triệu tập bà Nguyễn Thị Kim Hoa, kế toán trưởng công ty cùng bà Quyền Thị Ngọc Anh, kế toán thanh toán để điều tra làm rõ. Đến ngày 24/2/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Yên Bái đã ra quyết định số 15 khởi tố vụ án hình sự về tội Tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.

Quá trình điều tra, Cơ quan công an đã tiến hành khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với bốn bị can nói trên và đã xác định được thủ đoạn hoạt động phạm tội của các bị can bằng các hình thức: yêu cầu các nhân viên văn phòng công ty, các đơn vị kinh doanh bên ngoài ký hộ, ký khống các phiếu chi mà không được nhận tiền, để các bị can rút tiền chi tiêu trái quy định. Tự ký mạo tên người nhận tiền trên phiếu chi khống, để rút tiền sử dụng trái phép. Thông đồng với người cung cấp vật tư, hàng hóa nhằm nâng khống giá mua, số lượng hàng hóa, dịch vụ. Dùng phiếu chi của các văn phòng đại diện đã được Công ty duyệt thanh toán vào chi phí hằng tháng của các văn phòng, để sửa thành phiếu chi của công ty nhằm thanh toán thêm một lần nữa tại văn phòng công ty. Cùng một nghiệp vụ kinh tế phát sinh, các bị can đã lập hai bộ chứng từ để thanh toán hai lần...

Đây là vụ án kinh tế có số tiền liên quan tới sai phạm lớn nhất và cũng là vụ án kinh tế phức tạp nhất ở Yên Bái kể từ trước đến nay. Hiện cơ quan công an đã tiến hành xác minh hơn 500 doanh nghiệp liên quan ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm làm rõ các hành vi phạm tội của các bị can.

Đức Tưởng