07:08 24/07/2012

Giảm áp lực từ hàng vật liệu xây dựng tồn kho

Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nước ta hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt thấp, lượng hàng tồn kho lớn và kinh doanh không hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) nước ta hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt thấp, lượng hàng tồn kho lớn và kinh doanh không hiệu quả. Bên cạnh việc các doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại để sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, thì các giải pháp về vốn là điều mà các doanh nghiệp đang trông đợi từ Chính phủ.

 

Dừng sản xuất vì tồn hàng


Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (BXD), cho biết: Một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, không cân đối được nguồn trả nợ những khoản đã vay để đầu tư và quay vòng vốn. Rất nhiều công trình dang dở do ngừng triển khai vì chủ đầu tư thu xếp vốn không kịp thời, nợ đọng lớn dẫn tới giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.


 

Thép xây dựng được sản xuất tại Công ty thép Việt Đức thuộc Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Riêng trong lĩnh vực xi măng, trong 6 tháng đầu năm 2012, kể cả sản lượng tiêu thụ và tồn kho xi măng trong nửa đầu năm 2012, tiêu thụ xi măng chỉ đạt 40% so với kế hoạch.


Đối với sản phẩm gạch bê tông khí chưng áp, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và có Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, đồng thời hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...

nhưng đến nay, thị trường đầu ra cho các loại sản phẩm này còn rất hạn chế. Trên cả nước hiện có 9 nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp với công suất 1,5 triệu m2/năm. Từ đầu năm 2012 đến nay, chỉ có 2 nhà máy duy trì sản xuất một cách cầm chừng, 7 nhà máy còn lại phải dừng sản xuất vì không có thị trường tiêu thụ. Lượng hàng tồn kho hiện trên 1 tỷ viên gạch quy chuẩn.


 

Vận chuyển xi măng ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

 

Điểm qua tình hình hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc quản lý của BXD cho thấy, do lượng hàng tồn kho quá lớn, nhiều đơn vị đã phải giảm công suất khai thác để tránh thua lỗ thêm. Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy cán thép Sông Hồng và một số nhà máy thuộc Tập đoàn Sông Đà đã phải dừng từ 1 đến 2 dây chuyền khai thác; Nhà máy gạch ốp lát Hà Nội, Nhà máy granit Tiên Sơn, Nhà máy gạch men Thăng Long, Nhà máy sứ Bình Dương, Thanh Trì, Việt Trì... đã phải dừng sản xuất toàn bộ từ 1,5 đến 3 tháng để tập trung tiêu thụ hàng tồn; Nhà máy kính Đáp Cầu cũng phải dừng dây chuyền sản xuất 8 triệu m2 kính xây dựng/năm.

 

Cần hỗ trợ về vốn


Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2012, xi măng tồn kho gần 3 triệu tấn. Bổ sung vào con số này, theo Bộ Xây dựng, tại các nhà máy tồn kho khoảng 50 triệu m2 gạch ốp lát quy chuẩn, khoảng 50 triệu m2 kính xây dựng và đã có 40 dây chuyền sản xuất VLXD các loại phải ngưng sản xuất từ 1 đến 2 tháng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, việc ngừng hoạt động hoặc giảm công suất khai thác do tồn kho lớn còn ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thanh toán nợ đối với các tổ chức tín dụng, gia tăng tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn của các doanh nghiệp VLXD. Vì thế trong năm nay, về cơ bản không triển khai đầu tư mới, kể cả những dự án được coi là rất cần thiết như sản xuất kính tiết kiệm năng lượng, vật liệu xây không nung... Các dự án xi măng như Mỹ Đức, Hà Tiên 2-2 đều phải giãn tiến độ đầu tư.


Để giải quyết căn cơ tình trạng tồn kho của ngành xây dựng nói chung và lĩnh vực VLXD nói riêng, điều cốt yếu là phải tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Cụ thể, cần có những giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp như ổn định tỷ giá, tiếp tục giảm lãi suất vay; có lộ trình tăng giá điện, giá than hợp lý; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất phù hợp với điều kiện và năng lực; bổ sung các doanh nghiệp sản xuất VLXD, xây lắp và kinh doanh bất động sản vào nhóm các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ.


Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tự chủ động trong lúc này là tái cơ cấu hoạt động sản xuất, tiết giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm; tăng cường quảng bá, tiếp thị và vận dụng các lợi thế cạnh tranh để mở rộng thị trường; cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng tới xuất khẩu.


Ngọc Quỳnh