03:12 23/03/2011

Giải quyết những vấn đề lao động “hậu” Libi: Tìm mọi giải pháp giúp đỡ người lao động

Thực tế tìm hiểu tại địa phương thì để được sang Libi làm việc, nhiều lao động đã phải chi tới 35-40 triệu đồng/người. Với khoản tiền lớn như vậy, việc họ phải vay lãi ngân hàng (hoặc vay nặng lãi ở ngoài) cũng là điều dễ hiểu.

Theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) thì chi phí cho một lao động đi XKLĐ tại Libi chỉ khoảng 22-25 triệu đồng. Nhưng thực tế khi chúng tôi tìm hiểu tại địa phương thì để được sang Libi làm việc, nhiều lao động đã phải chi tới 35-40 triệu đồng/người. Với khoản tiền lớn như vậy, việc họ phải vay lãi ngân hàng (hoặc vay nặng lãi ở ngoài) cũng là điều dễ hiểu.

Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Đất Nước, huyện Kiến Xương (Thái Bình) sẵn sàng tiếp nhận 30 lao động từ Libi về nước vào làm việc.



Tình cảnh chung của số lao động trở về từ Libi mà tôi có dịp gặp ở Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc là đều thuộc diện hộ nghèo. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng không khó nhận ra phía sau niềm vui đoàn tụ là cả một gánh nặng nợ nần. Họ rất trông chờ vào sự giúp đỡ của các cấp chính quyền.

Trao đổi với chúng tôi về những phương án trước mắt giúp người lao động từ Libi về nước, ông Nguyễn Văn Điều, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Thái Bình cho biết: “Sở LĐ,TB&XH Thái Bình đã đề nghị các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ người lao động, tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên; các ngân hàng thương mại xem xét để có chính sách hỗ trợ những lao động đã vay vốn để đi XKLĐ tại Libi; xem xét hỗ trợ người lao động về việc làm sau khi về nước”.

Để giải quyết những khó khăn, giúp đỡ người lao động từng bước ổn định cuộc sống, mỗi địa phương lại có những giải pháp riêng, ông Nguyễn Văn Điều, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Thái Bình cho biết: "Nếu người lao động có nhu cầu tiếp tục đi XKLĐ thì có thể liên hệ với Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ,TB&XH để được tư vấn về các thị trường lao động phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân họ. Những người có nhu cầu được làm việc tại các doanh nghiệp trong nước thì thông qua Sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) để lựa chọn, đăng ký. Sở LĐ,TB&XH cũng đề nghị các doanh nghiệp trong tỉnh xem xét, tiếp nhận người lao động vào làm việc theo khả năng, trình độ và tay nghề của họ. Nếu những lao động trở về từ Libi có nhu cầu học chuyển đổi nghề nghiệp thì Trung tâm GTVL sẽ tư vấn học nghề, trong đó được xem xét đào tạo nghề có hỗ trợ kinh phí”. Cùng với những giải pháp trên, tỉnh Thái Bình đã đề nghị Bộ LĐ,TB&XH và các cơ quan chức năng căn cứ quy định của pháp luật xem xét có chính sách hỗ trợ đối với người lao động phải về nước trước thời hạn do tình hình binh biến tại Libi.

Không riêng gì Thái Bình, Nam Định cũng đã có những chính sách hỗ trợ giúp đỡ người lao động hết sức cụ thể. Tính đến ngày 3/3, Nam Định đã có 286 người đi lao động ở Libi về nước trước thời hạn. Ông Nguyễn Viết Quý, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nam Định cho biết: "Để kịp thời hỗ trợ và tạo điều kiện về việc làm cho người lao động đi làm việc tại Libi phải về nước trước thời hạn, tỉnh có chủ trương ưu tiên cho họ học nghề từ nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ưu tiên cho số lao động nêu trên được tiếp cận vốn từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm năm 2011. Người lao động có nhu cầu tiếp tục đi XKLĐ tại các nước khác thì tỉnh sẽ giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín, có các đơn hàng phù hợp để người lao động lựa chọn và đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội cho người lao động vay vốn. Nếu lao động nào có hoàn cảnh thực sự khó khăn thì địa phương xem xét giải quyết trợ cấp đột xuất theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ".

So với các nước khác trong khu vực có lao động làm việc tại Libi, Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã sớm hoàn thành công tác sơ tán toàn bộ công dân của mình khỏi Libi. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đánh giá Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đã tích cực, khẩn trương đưa công dân của mình tại Libi về nước và đã triển khai công việc này một cách an toàn, hiệu quả. Tính đến ngày 9/3, có 8.728 lao động Việt Nam về nước an toàn. Hiện nay còn hơn 1.000 lao động đang trở về nước bằng đường biển và sẽ về đến Việt Nam trong những ngày tới.

Với ý nguyện chung tay góp sức cùng các cơ quan giải quyết công ăn việc làm cho số lao động từ Libi về nước trước thời hạn, nhiều công ty trong nước đã thông báo tuyển lao động trở về từ Libi vào làm việc. Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Đất Nước có trụ sở tại huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã có văn bản gửi Sở LĐ,TB&XH Thái Bình xin tuyển dụng 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thản, Giám đốc công ty cho biết: "Với tinh thần vừa kinh doanh, vừa làm công tác xã hội góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người lao động mất việc làm, doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận số lao động của tỉnh vừa trở về từ Libi về làm việc tại Công ty Đất Nước". Là đơn vị chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, số lao động là con em các xã trong huyện Kiến Xương đang làm việc tại Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Đất Nước chiếm tới 70%, trong đó lao động trẻ chiếm đa số trong toàn đơn vị. "Chúng tôi ưu tiên những lao động đã có tay nghề, sức khỏe tốt. Nếu ban đầu họ chưa thạo việc, chúng tôi sẽ đào tạo tay nghề cho những người lao động này" - ông Thản quả quyết. Bên cạnh đó, Tổng công ty VIGLACERA đã đưa ra nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, lao động xây dựng và lao động kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật xây dựng (khoảng 1.000 lao động trong năm 2011) vào làm việc tại các công ty thành viên của tổng công ty. Công ty cổ phần Công nghiệp xây dựng Toàn Phát có trụ sở tại Đống Đa, Hà Nội sẽ tuyển dụng khoảng 40 kỹ sư, đội trưởng, chỉ huy trưởng công trình với mức thu nhập từ 350 - 1.000 USD/tháng và 350 thợ xây dựng, thợ hàn, mức lương 200 - 250 USD/tháng. Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông cũng đang thông báo tuyển dụng những lao động trở về từ Libi có nhu cầu tìm việc làm để vào làm việc tại Dự án Happyland tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Mức lương tập đoàn này đưa ra là: 3.000.000 đồng/người/tháng (lao động phổ thông); 4.000.000 - 6.000.000 đồng/người/tháng (lao động có tay nghề, tùy theo công việc). Tập đoàn sẽ bố trí chỗ ở miễn phí cho người lao động.

Hy vọng cùng với những nỗ lực của Nhà nước, giải pháp cụ thể của các cấp, các ngành và địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là tinh thần tự lực vượt khó của bản thân người lao động, những lao động từ Libi vừa về nước sẽ dần ổn định cuộc sống.

Nguyễn Viết Tôn