04:07 05/04/2019

Giải quyết bài toán 'khoảng cách' giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, lấy công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) làm nền tảng.

Chú thích ảnh
Sáng 30/3/2019, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tọa đàm và triển lãm phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trình độ cao: Gắn kết các cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Tùng/TXXVN

Để có thể bắt kịp thế giới về sự phát triển công nghệ cần có nguồn lực công nghệ thông tin với năng lực đạt chuẩn quốc tế, sáng tạo và có khát vọng. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nhân lực ICT của Việt Nam hiện chưa đạt yêu cầu về chất lượng, còn thiếu về số lượng. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là giải pháp chiến lược để giải quyết bài toán “khoảng cách” giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Thiếu hụt nguồn nhân lực ICT trình độ cao

Mới đây, phát biểu tại tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: ICT đã trở thành một ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ, với quy mô 100 tỷ USD, giá trị xuất khẩu khoảng 93 tỷ USD, xuất siêu trên 25 tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045. Để đạt được khát vọng này, đột phá quan trọng là dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việt Nam đang phấn đấu xây dựng một nền công nghiệp công nghệ thông tin vững mạnh, đi tiên phong trong việc áp dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, tự động hóa, robot, phân tích dữ liệu lớn, 5G…, phấn đấu làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam và công nghệ Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước có 153 cơ sở giáo dục có đào tạo về công nghệ thông tin, mỗi năm có gần 35.000 sinh viên được đào tạo ra trường. Trong số đó, khoảng 30% sinh viên làm việc ở các doanh nghiệp về công nghệ thông tin. Số còn lại làm chuyên môn về công nghệ thông tin ở các đơn vị, cơ quan khác. Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Dự báo của Công ty tuyển dụng trực tuyến Vietnamworks cũng cho thấy, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động công nghệ thông tin và mỗi năm cần cung ứng mới 78.000 lao động.

Tuy nhiên, đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin hiện nay, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động công nghệ thông tin có thể đáp ứng yêu cầu, còn lại 72% phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, hạn chế hiện nay đối với các trường đại học trong đào tạo công nghệ thông tin là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi sinh viên còn thụ động, không chỉ lúng túng trong chọn trường mà còn khó tìm việc và chưa sẵn sàng tâm thế cho tương lai.

Từ thực tế đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, nhân lực công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của mọi lĩnh vực chứ không chỉ với riêng công nghệ thông tin. Vấn đề hiện nay là để đào tạo được nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, cần rất nhiều yếu tố như sinh viên phải được cung cấp một nền tảng kiến thức tốt, làm chủ công nghệ “lõi”: IoT, Big Data, AI, Blockchain… Sinh viên cũng cần được trang bị kỹ năng nghiên cứu độc lập, tự học tốt đảm bảo nền tảng cho cập nhật công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm và tiếng Anh tốt, kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Để hội tụ các yếu tố này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả 3 phía: Trường đại học - doanh nghiệp và Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Hiện nay, mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo còn gặp một số khó khăn. Hai bên chưa có lòng tin lẫn nhau về năng lực đào tạo, nghiên cứu và khả năng triển khai thực tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất hạn chế về kinh phí đầu tư cho đào tạo, cam kết không rõ ràng. Các doanh nghiệp lớn thì khó khăn trong khơi thông nguồn vốn khoa học công nghệ, hệ thống cồng kềnh, khó phát huy đổi mới sáng tạo. Vì vậy, các doanh nghiệp đa phần muốn “mua” công nghệ, “mua” nhân lực, chưa nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư lâu dài. Với nhà trường, hệ thống quản lý chưa hiệu quả nên khó khăn khi thực hiện hợp tác với doanh nghiệp. Nền nếp “dạy những gì mình có” không hấp dẫn được các doanh nghiệp đến với cơ sở đào tạo. Các trường cũng chưa thực sự có những sản phẩm sẵn sàng chuyển giao thương mại.

Gắn kết đôi bên cùng có lợi

Đề cập đến vấn đề gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi: Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp. Nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã bám theo doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình thì doanh nghiệp đã tham gia cùng với nhà trường thiết kế sản phẩm chưa? Hay hai đối tượng này vẫn rất xa nhau và đổ lỗi cho nhau? Đã đến lúc tuy hai mà một chưa?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ không ngừng thay đổi và cách tốt nhất để đáp ứng là học cả đời. Bởi vậy, doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn tài nguyên này. Doanh nghiệp Việt Nam đã coi đây là một khoản đầu tư như đầu tư cho máy móc, thiết bị hay chưa? Việc chi cho đào tạo từ 5-10% chi phí lương là con số mà ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng. Ví dụ như Viettel, áp dụng mức 5-10% tức là chi 500-1000 tỷ đồng/năm cho đào tạo. Các hình thức đào tạo có thể áp dụng đa dạng như đào tạo tại doanh nghiệp bởi chuyên gia, cán bộ của doanh nghiệp; gửi vào nhà trường để đào tạo hoặc thiết kế chương trình để nhà trường đào tạo. Một nguồn chi lớn như vậy sẽ giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: Chúng ta cần có các tổ chức độc lập đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học, đánh giá tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường, đánh giá mức lương qua các năm của sinh viên các trường, xếp hạng các trường đại học. Đây sẽ là thông tin rất tốt cho thị trường và là động lực để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh Phí Anh Tuấn đề xuất: Các nhà trường cần cập nhật xu hướng công nghệ mới, tăng cường kiến thức và kĩ năng mềm cho sinh viên công nghệ, đồng thời cải tiến chương trình đào tạo chuyên đề phù hợp với thực tế và gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó nâng cao tỉ lệ ứng tuyển thành công của sinh viên vào doanh nghiệp. 

Khuyến nghị về cơ chế chính sách, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Nhà nước cần khơi thông hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp bằng việc ban hành quy định về cơ chế liên kết đào tạo nhà trường – doanh nghiệp; cơ chế giải ngân kinh phí đầu tư khoa học công nghệ theo Luật Khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp có hoạt động hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ chế đặt hàng cùng với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các đơn vị đào tạo chất lượng và hiệu quả. Nhà nước có thể lựa chọn đầu tư tập trung vào một số đại học có hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cao trong hệ thống giáo dục đại học.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, việc kết nối giữa Nhà nước – nhà trường với doanh nghiệp đã được nhắc đến từ lâu, nhưng muốn hiệu quả thì các bên phải coi sự gắn kết là nhu cầu tự thân. Nhằm thúc đẩy mối quan hệ này, về cơ chế chính sách, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành những quy định thuận lợi nhất trong việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ICT. Bên cạnh đó, hai bộ sẽ tạo các cơ chế chính sách và bảo trợ để xây dựng các điển hình, các cẩm nang hỗ trợ cho các doanh nghiệp và trường đào tạo công nghệ thông tin để thiết lập những mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chuẩn đầu ra cho nguồn nhân lực ICT, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ khuyến khích các trường dùng chuẩn này để đổi mới chương trình đào tạo.

Việt Hà (TTXVN)